Tại sao vết đứt tay có thể tự lành và 7 bước bạn nên làm khi bị thương nhẹ

    zknight,  

    Hiểu 4 giai đoạn của vết thương và 7 bước nên làm để tránh nhiễm trùng.

    Bị gai đâm, đứt tay hay trầy xước vì ngã xe? Nhiều lần trong đời, có lẽ tất cả chúng ta đều đã từng bị thương nhẹ rồi tự khỏi. Sự thật là đa phần các vết thương nhỏ không cần chăm sóc y tế tại bệnh viện. Nó sẽ tự lành sau vài ngày, và bạn có thể yên tâm nếu:

    - Vết thương không sâu

    - Vị trí vết thương không thành vấn đề nếu nó để lại sẹo

    - Bạn có thể cầm máu hoàn toàn trong vòng 10 phút

    - Mọi dị vật trong vết thương đã được loại bỏ

    - Bạn đã tiêm ít nhất một mũi uốn ván trong vòng 10 năm trở lại đây

     Bạn nên làm gì khi bị thương nhẹ?

    Bạn nên làm gì khi bị thương nhẹ?

    Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cá biệt, vết thương nhỏ có thể gây ra nhiễm trùng nguy hiểm. Nhất là trong thời đại vi khuẩn ngày càng trở nên kháng kháng sinh như hiện nay, bạn càng cần trang bị kiến thức để hiểu và chăm sóc vết thương hở.

    Dưới đây là 4 giai đoạn hồi phục mà bạn nên biết về vết thương, cùng với đó là 7 bước xử lý cũng như chăm sóc vết thương nhỏ trên cơ thể:

    Giai đoạn 1: Ngừng chảy máu

    Có tất cả 4 giai đoạn hồi phục của vết thương. Trong đó, giai đoạn tiên quyết là máu phải ngừng chảy. Cơ thể bạn sẽ cố gắng làm điều đó bằng cách thu hẹp các thành mạch máu. Trong một vài phút, các tế bào tiểu cầu sẽ được huy động đến khu vực vết thương.

    Các protein trong máu bạn sẽ hoạt động như một chất keo để dính những đám tiểu cầu lại với nhau và với thành mạch máu vỡ. Chúng sẽ hình thành nên cục máu đông, bít vào những lỗ hổng nơi máu đang chảy ra ngoài, để ngưng nó lại.

    Giai đoạn 2: Bắt đầu viêm

    Sau khi ngừng máu chảy, tiểu cầu của bạn cũng sẽ tiết ra các chất hóa học kích thích phản ứng viêm. Bạn sẽ thấy khu vực xung quanh vết thương bị sưng và tấy đỏ.

    Các tế bào bạch cầu được gọi đến hiện trường. Chúng ở đây để làm sạch vết thương, giết chết vi khuẩn để giữ cho bạn khỏi bị nhiễm trùng.

    Bên cạnh đó, bạch cầu cũng tạo hóa chất gọi là yếu tố sinh trưởng trưởng giúp chữa lành khu vực bị thương.

    Giai đoạn 3: Tái tạo da

    Ở giai đoạn này, quá trình chữa lành vết thương đã vào guồng. Các tế bào máu sẽ bắt đầu bồi đắp lớp da mới. Chúng mang oxy và dưỡng chất cần thiết để chữa lành và hình thành mạch máu mới.

    Các tín hiệu hóa học sẽ chỉ đạo các tế bào tạo ra collagen, một protein hoạt đông như giàn giáo giúp các tế bào xây dựng lại khu vực bị hư hại. Ở giai đoạn này, bạn có thể sẽ nhìn thấy một vế sẹo mờ màu đỏ. Nhưng nó sẽ biến mất dần theo thời gian.

    Giai đoạn 4: Hồi phục da hoàn toàn

    Giai đoạn cuối cho vết thương lành lại là củng cố lớp da mới chắc chắn hơn. Bạn có thể nhận ra cơ thể đang làm điều này bằng những vết nhăn hoặc căng trên khu vực da non. Đó là khi lớp da thay thế được giữ và gắn kết lại với nhau.

    Có thể mất vài ngày để cơ thể tự chữa lành vết thương. Nhưng thời gian cũng có thể là vài tháng, thậm chí nhiều năm. Thế nhưng, một khi vết thương đã khỏi hoàn toàn, da của bạn sẽ khỏe mạnh trở lại như trước khi bị thương.

    Một vấn đề, không ai dám chắc rằng mình sẽ không bị thương nhẹ một lần nào nữa trong đời. Bởi vậy, trang bị những kiến thức cơ bản để chăm sóc vết thương là điều cần thiết. Dưới đây là hướng dẫn dành cho bạn biết, khi bị thương nhẹ thì nên làm gì?

    Bước 1: Cầm máu

    Trước khi làm bất cứ điều gì với vết thương, bạn nên rửa tay bằng xà phòng và nước. Sau đó, bước đầu tiên là phải ngăn được máu chảy. Tìm một miếng gạc hoặc vải sạch lót tay rồi nhấn nhẹ vào vết thương.

    Nếu máu thấm qua, hãy dùng thêm một miếng gạc nữa đặt chồng lên, tiếp tục một miếng nữa nếu máu còn chảy. Nâng cao vùng bị thương bởi bằng cách này, bạn có thể làm chậm dòng máu tới đó. Nhấn nhẹ lên vết thương như vậy trong vài phút.

    Bước 2: Rửa vết thương

    Bước tiếp theo, bạn phải làm sạch mọi bụi bẩn trong vết thương để tránh nhiễm trùng. Rửa vết thương dưới vòi nước chảy, hoặc dùng cốc dội thành dòng lên đó. Bạn có thể dùng khăn lau không cồn hoặc gạc ẩm vô trùng để hỗ trợ việc rửa vết thương.

    Không được dùng chất khử trùng để rửa vết thương, vì nó có thể gây kích ứng da.

    Bước 3: Rửa xung quanh vết thương

    Dùng khăn thấm một chút xà phòng rồi rửa xung quanh chỗ bị thương. Cố gắng đừng để xà phòng chạm vào vết thương. Không nên sử dụng oxy già hoặc I ốt để rửa vì nó có thể gây kích ứng vùng da đã bị tổn thương.

    Sau cuối, dùng khăn sạch để thấm khô vết thương. Không nên sử dụng bông trần, bởi vết thương có thể hút các sợi bông và giữ chúng mắc kẹt trong đó.

    Bước 4: Lấy các mảnh dị vật còn sót lại

    Trong trường hợp rửa rồi mà vẫn còn những mảnh bụi bẩn sót lại, bạn cần phải lấy chúng ra. Sử dụng cồn sát khuẩn dụng cụ y tế, lau sạch một chiếc nhíp thép không gỉ để làm dụng cụ. Bất cứ thứ gì trong vết thương: gai, mảnh kính, cát… cần phải được loại bỏ.

    Nếu bạn không thể tự mình làm điều đó, hãy đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất như trạm y tế hoặc phòng khám tư nhân, nơi những y tá hoặc người có chuyên môn có thể giúp bạn.

    Bước 5: Thuốc bôi mỡ

    Nhẹ nhàng bôi một lớp thuốc mỡ kháng sinh mỏng, chẳng hạn như Tyrosur lên vết thương. Thuốc mỡ kháng sinh sẽ không giúp vết thương lành nhanh hơn, nhưng nó sẽ giúp bạn ngăn ngừa nhiễm trùng.

    Bôi thuốc mỡ cũng giúp da giữ ẩm. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn bị mẫn cảm với thành phần của thuốc mỡ thì nên ngừng sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ.

    Bước 6: Băng

    Với các vết thương nhỏ, bạn sẽ không cần phải băng. Nhưng trong trường hợp nó ở vị trí hay bị chà xát vào quần áo hoặc dễ bẩn- chẳng hạn đầu gối hay bàn tay- hãy che chắn nó lại bằng một miếng gạc sạch hoặc băng dán vô trùng.

    Băng sẽ giúp giữ ẩm, ngăn ngừa vảy và sẹo. Băng vết thương lại cũng giúp ngăn ngừa vi khuẩn và nhiễm trùng. Đối với các vết thương sâu hơn, sử dụng băng bướm để chúng nhanh liền lại.

    Bước 7: Thay băng

    Nếu bạn băng vết thương, hãy thay băng mới ít nhất 1 lần mỗi ngày để giữ cho vết thương sạch sẽ. Thay băng ngay trong trường hợp nó bị ướt hoặc bẩn.

    Luôn rửa tay trước khi thay băng. Cố gắng không chạm vào vết thương. Bạn có thể bôi một lớp thuốc mỡ kháng sinh mới trước khi dùng băng mới.

    Canh chừng nhiễm trùng

    Bất cứ vết thương hở nào trên cơ thể cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng. Khi vết thương đã lành mà vẫn có các dấu hiệu sau, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ:

    - Tấy đỏ và sưng

    - Đau xung quanh khu vực vết thương

    - Có mủ nhày trắng sữa hoặc xám

    - Sốt cao hơn 38oC

    - Vệt đỏ lan ra từ vị trí vết thương

    Tham khảo WebMD

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày