Tham vọng máy bay cường kích "Bọ cạp" sánh vai vùng F-35

    PV,  

    Flightglobal đưa tin công ty Textron của Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm máy bay cường kích hạng nhẹ Scorpion (Bọ cạp), được kỳ vọng sẽ trở thành bạn chiến đấu của F-35 trong tương lai.

    Đây mới là các cuộc thử nghiệm trên mặt đất giai đoạn đầu. Theo đó, mẫu cường kích Scorpion được đưa tới sân bay Wichita của Textron ở Kansas và có cuộc chạy thử nghiệm đầu tiên trên đường băng cất hạ cánh vào ngày 25/11.

    Dự kiến, Scorpion sẽ có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 5/12 tới.

    Máy bay cường kích thế hệ tương lai Scorpion do công ty Textron và AirLand Enterprises phối hợp phát triển từ tháng 4/2012. Ngoài ra, tham gia dự án này còn có công ty Cessna phụ trách khâu lắp ráp.

    Mẫu máy bay cường kích Scorpion là loại 2 chỗ ngồi, 2 động cơ. Máy bay có chiều dài 13,3 m và sải cánh 14,4 m. Trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay theo thiết kế là 9,6 tấn.

    Theo công bố của Textron, Scorpion có tốc độ tối đa 833 km/h và có tầm bay 4.400 km. Máy bay có 6 điểm treo vũ khí bên ngoài dành cho tên lửa, bom các loại với tổng khối lượng 2,8 tấn.

    Cận cảnh lắp ráp cường kích Scorpion

    Cận cảnh lắp ráp cường kích Scorpion

    Trong bối cảnh Mỹ đang tập trung phát triển loại “siêu” máy bay chiến đấu như tiêm kích tàng hình đa năng F-35 và có trong tay những máy bay khủng như F/A-18E/F Super Hornet, F-22…thì nhiều ý kiến cho rằng không có “chỗ” cho Scorpion. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Textron hoàn toàn tự tin vào khả năng Không quân Mỹ sẽ đưa mẫu cường kích này của họ vào trang bị.

    Một thông số khác được Textron đánh giá là lợi thế của Scorpion là giá cho mỗi giờ bay của loại máy bay này chỉ vào khoảng 3.000 USD. Con số này thấp hơn rất nhiều so với các máy bay hiện có trong không quân Mỹ khi biết rằng chi phí cho một giờ bay của F-35A là 24.000 USD, F-22 là 20.000 USD (Washington Post từng trích dẫn một nghiên cứu của Lầu Năm góc cho biết chi phí một giờ bay của F-22 là 44.000 USD). Trong khi đó, chi phí cho mỗi giờ bay của F-16 của Mỹ hiện cũng lên tới 24.899 USD.

    A-10 Thunderbolt II của MỹA-10 Thunderbolt II của Mỹ

    Hiện nay, A-10 là loại máy bay được sử dụng phổ biến để yểm trợ cho lực lượng mặt đất tại chiến trường Afghanistan và Iraq. Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa A-10 lên phiên bản A-10C để kéo dài thời hạn phục vụ tới năm 2028 với nhiệm vụ thực hiện các đòn tấn công chính xác cao. Phiên bản nâng cấp sẽ được trang bị hệ thống điện tử mới cùng cải tiến về động cơ.

    A-10C sẽ cho phép phi công dẫn bắn và điều khiển hỏa lực tương tự như những chiếc tiêm kích hiện đại. Buồng lái mới của A-10C được trang bị toàn bộ màn hình hiển thị màu với các bộ phận điều khiển đơn giản hơn.

    Ngoài ra, đặc điểm nổi bật của A-10 là khả năng bay thấp với tốc độ chậm cùng vỏ giáp có khả năng chống được các loại vũ khí bộ binh cỡ nòng nhỏ. Tốc độ hành trình của A-10 là 560 km/h, song trên thực tế chúng có thể tuần tra với tốc độ 230 km/h. Hỏa lực của A-10 cũng rất mạnh với pháo nhiều nòng 30 mm (GAU-8 Avenger) cùng 7 tấn bom và tên lửa có thể mang theo.

    Theo Soha

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày