TheVerge đánh giá Huawei Mate 20 Pro: Phần cứng đỉnh cao nhưng phần mềm quá nhiều hạn chế

    Tấn Minh,  

    Một chiếc điện thoại pin khủng, thiết kế mảnh mai, vi xử lý siêu việt, nhưng lại bị kìm hãm bởi phần mềm quá tệ hại cùng những căng thẳng trong quan hệ quốc tế!

    Thời điểm này năm ngoái, Huawei vẫn đang tích cực "chạy chọt" để đạt được thỏa thuận với nhà mạng đầu tiên của họ tại Mỹ để phân phối chiếc điện thoại flagship vừa công bố là Mate 10 Pro. Kế hoạch của Huawei lúc bấy giờ là sẽ tái công bố thiết bị tại CES vào tháng 1/2018 cùng với đối tác là AT&T. Nhưng mọi chuyện không suôn sẻ, khi những áp lực từ chính phủ Mỹ, FBI, CIA, và NSA không những khiến kế hoạch của Huawei đổ bể vào phút chót mà còn buộc họ phải rút khỏi thị trường đầy tiềm năng này.

    Chính vì vậy, flagship Huawei Mate 20 Pro năm nay - dù không phải là một chiếc smartphone Android tốt nhất xét mọi mặt, nhưng nhìn chung lại là chiếc điện thoại tốt nhất mà bạn có thể mua được ngay lúc này - không hề xuất hiện tại Mỹ, bản locked lẫn unlocked.

    Nói Mate 20 Pro là chiếc điện thoại tốt nhất bạn có thể mua là không hề "chém gió". Tại châu Âu, chiếc điện thoại có cấu hình siêu khủng này có giá khoảng 1.049 Euro (tức 1.200 USD cả thuế), cao hơn cả flagship Galaxy Note 9 của đối thủ Samsung. Là chiếc flagship Android có giá đắt nhất trên thị trường, Huawei Mate 20 Pro có nhiều thế mạnh, trong đó nổi trội nhất là thời lượng pin và hiệu năng hoạt động.

    Viên pin 4.200mAh cùng phần cứng quản lý năng lượng được tối ưu khá tốt của Mate 20 Pro cho phép bạn an tâm sử dụng máy mà không phải lo về vấn đề sạc pin. Trải nghiệm thực tế qua 2 giờ chơi liên tục tựa game Alto's Adventure, viên pin này chỉ tụt đúng 18% mà thôi! Chưa kể máy còn có khả năng sạc không dây đảo ngược, cho phép sạc các điện thoại khác nữa, khá tiện lợi.

    TheVerge đánh giá Huawei Mate 20 Pro: Phần cứng đỉnh cao nhưng phần mềm quá nhiều hạn chế - Ảnh 1.
    TheVerge đánh giá Huawei Mate 20 Pro: Phần cứng đỉnh cao nhưng phần mềm quá nhiều hạn chế - Ảnh 2.

    Về mặt hiệu năng, Huawei khẳng định chip Kirin 980 vượt trội hơn hẳn so với Snapdragon 845. Và trải nghiệm thực tế cho thấy tốc độ và phản hồi của Mate 20 Pro không khác gì iPhone, với các ứng dụng khởi động cực kỳ nhanh, camera hầu như không có độ trễ, game không bị giật/lag và các hiệu ứng khi thao tác bằng ngón tay hiển thị một cách mượt mà và trôi chảy. Mate 20 Pro còn có một loạt những điểm mạnh khác: màn hình OLED độ phân giải cao, RAM và bộ nhớ lớn, sạc không dây tốc độ cao, chống nước, cảm biến vân tay dưới màn hình, đèn LED thông báo... Đặc biệt là màn hình của Mate 20 Pro có thể sánh ngang với Galaxy Note 9 - vốn là màn hình đẹp nhất thế giới - về độ sắc nét, độ sáng và độ rực rỡ.

    Nhưng AI tích hợp cùng camera trên Mate 20 Pro lại còn nhiều hạn chế...

    Nhập hội "nhiều camera hơn là tốt hơn" cùng LG và Samsung, Huawei cũng trang bị đến 3 camera sau cho flagship của mình. Cảm biến monochrome nay không còn nữa, khi mà Huawei khẳng định các cảm biến hình ảnh hiện tại đã quá tốt đến nỗi họ chẳng cần một cảm biến thứ hai để cải thiện độ sắc nét và chi tiết cho hình ảnh chụp từ camera chính nữa. Dù vậy, một số người sẽ nhớ những bức ảnh trắng đen xuất sắc mà Huawei từng mang lại với cảm biến monochrome kia.

    Sử dụng 3 cảm biến gồm góc siêu rộng, góc rộng truyền thống, và telephoto, Mate 20 Pro cho phép người dùng thỏa sức sáng tạo. Ống kính góc siêu rộng, có tiêu cự tương đương 16mm, sẽ hữu dụng cho chụp ảnh nhóm, phong cảnh, và nó sẽ phát huy tác dụng nếu bạn đến gần một thứ khá lớn mà vẫn muốn chụp toàn bộ thứ đó. Camera này còn kiêm vai trò chụp macro. Huawei tự động xử lý tình trạng méo hình trong quá trình xử lý, và kết quả thực sự tốt.

    TheVerge đánh giá Huawei Mate 20 Pro: Phần cứng đỉnh cao nhưng phần mềm quá nhiều hạn chế - Ảnh 3.

    Camera chính của Mate 20 Pro có độ phân giải 40MP, gộp 4 điểm ảnh lân cận thành một điểm ảnh lớn để cho phép bạn chụp những tấm ảnh độ phân giải 10MP với chi tiết cực cao. Khi so với Pixel 3 XL và Galaxy Note 9, ảnh của Mate 20 Pro không có dải tần nhạy sáng tốt như hai thiết bị kia: trong những tình huống điện thoại Google và Samsung hiển thị được các chi tiết của hậu cảnh tối và vẫn giữ được màu trời xanh, thì Mate 20 Pro lại làm hậu cảnh sáng hơn nữa và kết quả là bầu trời bị cháy sáng.

    Ảnh của Huawei, cũng như Samsung, trông rất sắc nét. Đôi lúc vì vậy mà chúng trông khá khô cứng. Nếu bộ xử lý Master AI của Huawei không được kích hoạt, camera của Huawei sẽ nhiễu hạt hơn đáng kể so với Pixel hay Note. Có nghĩa là Mate 20 Pro đôi lúc sẽ cho ra hình ảnh sắc nét nhất trong số 3 máy, nhưng nhiễu hạt thì lúc nào cũng hiện diện, và đó là lý do bạn sẽ muốn kích hoạt AI này lên mọi lúc mọi nơi. Vấn đề là AI của Huawei tối ưu hóa hình ảnh quá mức cần thiết, và một khi nó đã ra tay, bạn không thể hồi lại được nữa bởi Huawei không lưu lại ảnh chưa xử lý. Có lẽ Huawei nên làm sao đó để các chỉnh sửa của AI có thể hoàn lại được trong các bản cập nhật sau này. Dù sao thì camera của Huawei cũng đã khá tốt, và may mắn là nó không cho ra những tấm ảnh HDR tệ hại quá đáng như Note 9 khi chụp ảnh cây cối và bầu trời.

    TheVerge đánh giá Huawei Mate 20 Pro: Phần cứng đỉnh cao nhưng phần mềm quá nhiều hạn chế - Ảnh 4.

    Huawei Mate 20 Pro cũng có chế độ chụp ảnh chân dung ánh sáng sân khấu như iPhone

    Camera selfie của Mate 20 Pro lại gây thất vọng tột cùng. Nó có độ phân giải cực cao, 24MP, nhưng vô nghĩa bởi mọi thứ nó cho ra đều không sắc nét và thiếu chi tiết. Ngay cả khi bạn bật chế độ làm đẹp và tùy chọn "thinner face" (làm khuôn mặt gọn gàng hơn) được chỉnh về 0, khuôn mặt bạn cũng sẽ trông như được chụp "một cách nghệ thuật" qua một tấm gương đục ngầu.

    Nhìn chung, hệ thống camera sau của Huawei khá tốt, nhưng nó không mang lại cảm giác "sướng" như camera của Pixel. Pixel 3 mang lại một số cải tiến thú vị so với camera của Pixel 2, nhưng Mate 20 Pro có vẻ không cải tiến nhiều lắm so với P20 Pro. Trên thực tế, camera sau trên hai flagship của Huawei có rất nhiều điểm tương đồng về chất lượng.

    TheVerge đánh giá Huawei Mate 20 Pro: Phần cứng đỉnh cao nhưng phần mềm quá nhiều hạn chế - Ảnh 5.

    Và một yếu điểm chết người: phần mềm

    Trong khi phần cứng và hiệu năng được đánh giá rất cao, phần mềm của Huawei lại cực chán. Giao diện EMUI 9 của Huawei được xây dựng trên nền Android 9 Pie (đã được tích hợp bản vá bảo mật mới nhất của Google vào ngày 1/10), và hệ thống đa nhiệm kích hoạt bằng thao tác cử chỉ khá hay, tốt hơn hệ thống cử chỉ của Google trên launcher Pixel. Huawei còn sao chép cách thiết kế menu cài đặt Android của Samsung với lời hỏi thăm người dùng có muốn tìm thứ gì khác không ở cuối mỗi mục cài đặt. Máy còn có chế độ giao diện tối, khá đẹp khi dùng với màn hình OLED, và bảng điều chỉnh nhiệt độ màu cũng được thực hiện khá tốt.

    Nhưng phần mềm của Huawei là thứ khiến bạn cảm thấy chán ngán thay vì thực sự tận hưởng nó. Đầu tiên, nó đầy lỗi. Google Keep sẽ crash liên tục chỉ sau 2 giây khởi động, bạn phải gỡ nó ra, khởi động lại máy, và cài lại Keep mới dùng được. Bàn phím SwiftKey được cài sẵn trong máy, và cũng sớm thôi, nó sẽ gặp một số lỗi liên quan đến hiển thị hiệu ứng. Cách xử lý giống hệt Google Keep. Màn hình khóa của máy đôi lúc tự thay đổi hình nền và một lát sau lại hiển thị hình nền mà bạn chọn trước đó. Nghe bảo chiếc điện thoại này được trang bị AI rất tốt, nhưng AI này lẽ ra phải dễ đoán chứ sao lại tự ý làm liều thế này?

    Huawei còn thực hiện một số tinh chỉnh khó hiểu đối với cách hoạt động cơ bản của Android. Menu chia sẻ của nó cho thấy hãng đã cố sao chép iPhone nhưng lại thất bại, kết quả còn tệ hơn menu chia sẻ mặc định của Android. Thông báo trên màn hình khóa của Mate 20 Pro chẳng cho phép người dùng làm gì ngoài việc gạt nó sang một bên để...xóa. Có lẽ bạn nên chuẩn bị tâm lý đối mặt với hàng tá những vấn đề liên quan đến giao diện người dùng của EMUI, dù rằng những khiếm khuyết này có lẽ không thể áp đảo hiệu năng ấn tượng của chip Kirin 980 được.

    TheVerge đánh giá Huawei Mate 20 Pro: Phần cứng đỉnh cao nhưng phần mềm quá nhiều hạn chế - Ảnh 6.

    Với Mate 20 Pro, Huawei đặt mục tiêu đánh bại Galaxy Note 9, và quả thực hơi bất ngờ một chút là Huawei có vẻ đã thành công ở một vài phương diện nào đó. Mate 20 Pro có camera đáng tin cây hơn, kích thước hợp lý hơn, hiệu năng tốt hơn, mở khóa khuôn mặt nhanh hơn, và màn hình dễ chịu hơn. Nhưng Mate 20 Pro lại đắt hơn (giá với người Mỹ do không được bán ở đây), và đó là một rào cản khá lớn đối với những người dùng muốn tiếp cận chiếc máy này. Phải khẳng định rằng Huawei mate 20 Pro là một chiếc điện thoại tốt, với một số tính năng tuyệt vời và độc đáo; và một khi giá máy bắt đầu giảm để thu hút người dùng, nó sẽ là một đối thủ thực thụ trên chiến trường smartphone.

    *Huawei trả lời TheVerge rằng đây là phiên bản thử nghiệm do đó sẽ có nhiều lỗi ở phần mềm. Họ cũng hứa hẹn sẽ cập nhật trong các bản patch tiếp theo.

    Tham khảo: TheVerge


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ