Tin rằng mình có dòng dõi hoàng tộc, nhiều người Trung Quốc bỏ tiền làm xét nghiệm gen

    zknight,  

    "Mọi người tò mò muốn biết liệu họ có phải là con cháu của Hán Cao Tổ, Lý Bạch, Đường Thái Tông hay không".

    Li Jiewen, 23 tuổi, hiện là một nữ sinh Đại học Khoa học và Công nghệ Macau. Cô đang sống tại thành phố Quảng Châu cùng với gia đình mình. Thoạt nhìn, gia đình Li có vẻ khá bình thường, nhưng theo một niềm tin truyền đời, họ đều mang dòng dõi hoàng tộc

    Truyền thuyết kể lại rằng, vào khoảng thế kỷ XII, một gia đình hoàng tộc Trung Quốc sa thế, họ chạy trốn qua sông Dương Tử và di cư về phía nam. Một chi của hoàng gia định cư tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông ngày nay, nơi mà Li sinh ra và lớn lên. Theo những gì mà Li nhớ lại được, chính bà ngoại là người đã tiết lộ cho cô biết mình đang mang trong mình một dòng máu cao quý.

    Năm ngoái, Li quyết định thử xét nghiệm gen của mình. Cô đã mua một bộ kit xét nghiệm di truyền bán trên mạng. Điều Li cần làm chỉ là thu thập nước bọt của mình vào ống nghiệm, gửi nó tới phòng thí nghiệm phân tích và chờ đợi kết quả.

    Tin rằng mình có dòng dõi hoàng tộc, nhiều người Trung Quốc bỏ tiền làm xét nghiệm gen - Ảnh 1.

    Tin rằng mình có dòng dõi hoàng tộc, nhiều người Trung Quốc bỏ tiền làm xét nghiệm gen

    Li chỉ là một trong hàng trăm ngàn người Trung Quốc đã từng mua kit xét nghiệm DNA trực tuyến để tìm hiểu về tổ tiên của mình. Các bộ kit này - giá chỉ vài trăm Nhân dân tệ - khác xa so với xét nghiệm di truyền được thực hiện trong bệnh viện.

    Sau khi gửi mẫu nước bọt đi khoảng vài tuần, người sử dụng dịch vụ xét nghiệm sẽ nhận lại kết quả phân tích dòng dõi tổ tiên của họ, thỉnh thoảng, kèm cả nguy cơ mắc một số bệnh di truyền hoặc dị ứng liên quan đến DNA.

    Mặc dù ngành công nghiệp dịch vụ xét nghiệm gen còn chưa hình thành, các nhà đầu tư mạo hiểm đang đặt cược lớn vào các công ty tiên phong trong đó.

    Hồi tháng 3, Chengdu 23Mofang Biotechnology, công ty xét nghiệm di truyền trực tiếp lớn nhất của Trung Quốc, nơi mà Li đã thực hiện xét nghiệm của mình, đã kêu gọi được 100 triệu Nhân dân tệ (tương đương 15,8 triệu USD) trong vòng gọi vốn thứ 5 của mình.

    Hồi tháng 1, đối thủ cạnh tranh chính của Chengdu 23Mofang là WeGene, một công ty công nghệ sinh học khác có trụ sở tại Thâm Quyến, cũng thông báo hoàn thành vòng gọi vốn thứ hai, với số tiền được giữ bí mật.

    Ngoài Trung Quốc, loại hình doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xét nghiệm DNA đang bùng nổ, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nơi tập trung rất nhiều dân nhập cư. Năm ngoái, một bộ kit xét nghiệm gen được phát triển bởi công ty 23andMe của Mỹ đã lọt vào top 5 mặt hàng bán chạy nhất trên Amazon trong dịp lễ hội mua sắm Black Friday.

    Tin rằng mình có dòng dõi hoàng tộc, nhiều người Trung Quốc bỏ tiền làm xét nghiệm gen - Ảnh 2.

    Bạn có thể xác nhận dòng dõi tổ tiên của mình nhờ bộ kit xét nghiệm gen này, giá khoảng 1,8 triệu VNĐ

    Trở lại Trung Quốc, nơi có tới 90% dân số là người Hán, nhiều người sẽ chẳng còn muốn tìm ra nguồn gốc dân tộc của mình. Điều mà họ quan tâm còn đặc biệt hơn thế: Trả lời được câu hỏi liệu mình có dòng dõi hoàng tộc hay không.

    "Hầu hết người Trung Quốc đều quan tâm đến việc khám phá xem liệu họ có họ hàng với các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử hay không - ví dụ như Khổng Tử, một hoàng đế hay lãnh chúa nổi tiếng nào đó", Vanessa Frangville, giảng viên dân tộc học tại Đại học Libre de Bruxelles, Bỉ cho biết.

    "Thành thật tôi không nghĩ rằng, nếu một người Hán phát hiện ra rằng anh hoặc cô ấy có 10% xuất thân từ Châu Phi hay từ Mông Cổ, nhận thức của họ về người Hán sẽ thay đổi nhiều".

    Trong suốt lịch sử của Trung Quốc, có nhiều trong số 56 dân tộc của đất nước từng có giai đoạn nắm giữ quyền lực, bao gồm cả người Mông Cổ và Mãn Châu. Các cuộc hôn nhân ngoại giao cũng liên tục diễn ra trong suốt lịch sử.

    Tuy nhiên, các bản ghi phả hệ thường được viết không rõ ràng - ngay cả đối với hoàng tộc - nhiều tài liệu ghi chép gián đoạn giữa chừng, bị mất, hoặc bị phá hủy trong giai đoạn thay đổi triều đại hoặc do thiên tai.

    Đây là lúc mà các bộ kit xét nghiệm di truyền có mặt để bù lấp những khiếm khuyết đó, cung cấp câu trả lời cho thắc mắc của nhiều người.

    Zhou Kun, Giám đốc điều hành của 23Mofang, đồng ý với Frangville rằng mọi người thường xuyên chuyển sang dùng bộ kit của họ để xác nhận dòng dõi hoàng gia hoặc mối liên hệ với người nổi tiếng.

    "Mọi người tò mò muốn biết liệu họ có phải là con cháu của Hán Cao Tổ, Lý Bạch, Đường Thái Tông hay không", Zhou nói. "Khi cơ sở dữ liệu của chúng tôi phát triển, mọi người có thể nhanh chóng tìm ra tổ tiên của họ là ai và họ đã làm gì trong lịch sử".

    Tin rằng mình có dòng dõi hoàng tộc, nhiều người Trung Quốc bỏ tiền làm xét nghiệm gen - Ảnh 3.

    Những cuốn phả hệ dường như đã không đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu gốc gác của nhiều người trẻ Trung Quốc

    Trong khi những người già ở Trung Quốc say sưa với những cuốn phả hệ, cả 23Mofang và WeGene đang sử dụng phương tiện truyền thông trực tuyến để nhắm mục tiêu đến những khách hàng trẻ tuổi hơn, là người giàu có, hiểu biết về công nghệ và tò mò, tất cả đều thuộc thế hệ lớn lên với internet.

    WeGene tuyên bố rằng họ có một cơ sở người dùng lên đến 100.000 thành viên. Công ty này cũng đã trả tiền cho các blogger có ảnh hưởng để thử sản phẩm của mình và viết đánh giá.

    Papi Jiang là một người nổi tiếng trên internet có gần 28 triệu lượt theo dõi trên Weibo. Gần đây, Papi đã hợp tác với 23Mofang để bán hơn 160.000 bộ kit xét nghiệm gen, mỗi bộ trị giá 499 nhân dân tệ. Trong một video được tài trợ phát hành đầu tháng này, Papi Jiang tiết lộ cô ấy mang có 3% nguồn gốc từ dân tộc Thái - một nhóm chủ yếu cư trú ở phía tây nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

    Nhưng trong khi bộ kit xét nghiệm gen tại nhà được sự ủng hộ nhiệt thành từ phía các blogger, chúng cũng đang phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích về tính chính xác.

    Các báo cáo quốc tế nói rằng các bộ kit xét nghiệm DNA từ các thương hiệu khác nhau có thể cho kết quả hoàn toàn khác nhau. Trong khi đó, nhiều cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ về giá trị của thử nghiệm.

    Ren Yi, phó giám đốc công ty Công nghệ Bio-Pharm Thượng Hải, đơn vị cũng đang phối hợp với Đại học Phục Đán trong một dự án xét nghiệm di truyền từ năm 2016 cho biết: sự sai khác trong kết quả có thể được giải thích một phần từ kỹ thuật mà hầu hết các công ty hiện nay đang sử dụng.

    Để phân tích được tổ tiên của một người từ mẫu thử, các công ty đang dùng xét nghiệm kiểu gen, một phương pháp dựa vào nhiễm sắc thể Y ở nam giới hoặc DNA ty thể ở phụ nữ nhằm tìm ra các biến thể ở đó liên kết với nhóm tổ tiên của họ.

    Đó là một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí để đánh giá sự biến đổi di truyền ở các cá nhân và trên quần thể. Nhưng rõ ràng, nó kém chính xác hơn so với sắp xếp trình tự DNA, một kỹ thuật lập bản đồ toàn bộ bộ gen có chi phí trung bình cỡ 1.000 USD.

    Tin rằng mình có dòng dõi hoàng tộc, nhiều người Trung Quốc bỏ tiền làm xét nghiệm gen - Ảnh 4.

    Papi Jiang, một hot blogger đang quảng cáo bộ kit xét nghiệm gen của 23Mofang

    Tuy nhiên, Ren cho rằng kết quả của phương pháp phân tích gen giá rẻ có thể trở nên chính xác, nhờ cơ sở dữ liệu của công ty cung cấp dịch vụ. Ông giải thích, kích thước của cơ sở dữ liệu tham chiếu quan trọng bởi vì thông tin về gen của một người được xác định bằng cách so sánh chúng với gen của người khác. Cơ sở dữ liệu di truyền càng lớn thì kết quả kiểm tra càng chính xác.

    Trong tương lai, Ren tin rằng việc sử dụng các bộ kit xét nghiệm gen giá rẻ sẽ đơn giản như việc cặp nhiệt độ bây giờ.

    Zhou đại diện cho 23Mofang đồng ý rằng có những giới hạn đối với độ chính xác của xét nghiệm. Ông giải thích kết quả xét nghiệm DNA chỉ chính xác với khuôn khổ của nghiên cứu khoa học hiện tại. Nghĩa là trong tương lai, có khả năng một bước đột phá khoa học mới có thể chứng minh nghiên cứu trước đó sai.

    "Những gì chúng ta tin vào ngày hôm nay hoàn toàn có thể bị ném ra ngoài cửa sổ vào ngày mai", Zhou nói.

    Trở lại với Li, một vài tuần sau khi cô gửi mẫu nước bọt của mình, kết quả xét nghiệm đã được trả lại. Li không có được câu trả lời như cô hằng mong đợi: Không có một dấu hiệu di truyền nào chứng tỏ gia đình Li có nguồn gốc từ phía Bắc Trung Quốc. Thay vào đó, cô có 87,19% là người Hán phương nam, 12,8% là người Thái và 0,01% thuộc một dân tộc không thể xác định.

    "Tôi không nghĩ rằng kết quả này đáng tin cậy," Li nói và vẫn tin tưởng rằng gia đình mình có dòng dõi hoàng gia phương Bắc.

    Tuy nhiên, cô ấy đồng ý rằng mình có thể mang một phần dòng máu của người Thái - Li tin mình trông giống như một người gốc Đông Nam Á. "Ít nhất tôi đã tìm thấy một lý do giải thích cho tình yêu ẩm thực Thái Lan của mình", cô nói một cách châm biếm.

    Tham khảo Sixthtone

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ