Tòa nhà chọc trời này sẽ giúp tái đóng băng Nam Cực và lọc sạch CO2 khỏi không khí

    Nguyễn Tuấn Tài,  

    Một cỗ máy đảo ngược biến đổi khí hậu.

    Ý tưởng về một tòa nhà chọc trời dành cho cư dân đô thị và chiến đấu chống biến đổi khí hậu có tên HEAL-BERG là một trong những thiết kế được lựa chọn trong Cuộc thi Nhà chọc trời eVolo được tổ chức hàng năm. Kết cấu khổng lồ này sẽ đồng thời làm mát nước biển Nam Cực, lọc sạch CO2 trong không khí và sản xuất ra điện bằng nước mặn và gió, tất cả tạo nên một thứ mà các nhà thiết kế gọi là “một cỗ máy đảo ngược biến đổi khí hậu”.

    Hai kiến trúc sư là Luca Beltrame và Saba Nabavi Tafreshi đã tạo ra HEAL-BERG để ứng phó với một tương lai mà trong đó, “biến đổi khí hậu diễn ra ở mức độ vượt quá hầu hết các dự báo khoa học, nước biển ấm lên, ô nhiễm không khí và các hình thái tiêu cực khác”. Theo tính toán của họ, Trái Đất năm 2039 sẽ có khoảng 21,5 triệu người phải di dời hàng năm do biến đổi khí hậu và những công trình vĩ đại của thế giới có thể bị phá hủy.

    Các nhà thiết kế đã sử dụng công nghệ drone và năng lượng gió cùng với các nghiên cứu của các tổ chức hàng đầu thế giới để tạo nên một bản thiết kế mà tất cả chính phủ trên thế giới đều có thể thực hiện nếu họ biết kết hợp các nguồn lực lại với nhau trong nỗ lực cuối cùng để bảo vệ nhân loại. Một số nghiên cứu có thể kể ra là: nghiên cứu làm sạch CO2 bằng laser của Đại học Davis - California, nghiên cứu về xây dựng sử dụng vật liệu graphene siêu nhẹ siêu cứng của MIT và công nghệ vận tải của Tesla.

    Vị trí xây dựng của công trình này được lựa chọn dựa trên phát biểu của Pieter Tans, một nhà khoa học hàng đầu tại Mạng lưới Tham chiếu về Khí nhà kính Toàn cầu của NOAA, báo cáo rằng Nam Cực là nơi cuối cùng trên Trái Đất cảm thấy tác động của biến đổi khí hậu. “Nồng độ CO2 toàn cầu sẽ không trở về dưới giá trị dưới 400ppm trong thời đại của chúng ta, chắc chắn là nó còn kéo dài thêm”, ông nói. “Những nơi xa xôi ở Nam Bán cầu là địa điểm cuối cùng trên Trái Đất, nơi mà CO2 chưa đạt đến mức độ này.

    Cuộc thi Nhà chọc trời eVolo được tổ chức từ năm 2006, cho phép các kiến trúc sư và nhà thiết kế từ khắp nơi trên thế giới gửi những ý tưởng mang tính nghệ thuật hơn là khoa học. Giải thưởng này công nhận những ý tưởng sáng tạo trong việc xây dựng các dự án cao tầng thông qua sử dụng công nghệ, vật liệu thông minh, có tính thẩm mỹ cao và thách thức hiểu biết của chúng ta về kiến trúc theo chiều dọc.

    Năm 2017 này, cuộc thi đã chấp nhận 444 bài dự thi, bao gồm cả một thiết kế về phi thuyền điện tử, một nhà máy nổi trên biển dành cho các siêu đô thị. Và chiến thắng đã thuộc về thiết kế Nhà chọc trời Mashambas, một trung tâm giáo dục nông nghiệp được thiết kế để có thể di chuyển khắp châu Phi, giúp chia sẻ kiến thức và các nguồn lực để chống lại nạn đói. Những bản thiết kế này tuy mới chỉ nằm trên giấy, nhưng nó giống như những bức tranh nghệ thuật, giúp truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế, cho thấy khả năng tác động tích cực đến cuộc sống của kiến trúc.

    Tham khảo Creators

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ