Tôi và bạn đều yêu Nokia và BlackBerry, nhưng đáng buồn thay...

    Lê Hoàng,  

    Công nghệ không sống bằng tình yêu của người hâm mộ. Công nghệ sống bằng nhu cầu thực tế của người dùng.

    Bên cạnh chiếc LG G6 có màn hình "dị" và chip Snapdragon của... năm ngoái, sự kiện MWC năm nay có một điểm nhấn rất đặc biệt: sự trở lại của Nokia và BlackBerry.

    Đó là 2 tên tuổi gắn liền với tuổi thơ (hay nói chính xác hơn là "tuổi trẻ") của nhiều người. Nếu bạn là 8X hoặc 9X từng được may mắn sử dụng những chiếc điện thoại "ngu", rất có khả năng con dế đã theo bạn nhiều năm chinh chiến là Nokia. Nếu bạn từng ghi tên mình vào danh sách những người "cuồng" công nghệ đến mức cần phải gõ tin nhắn trong vòng 10 giây, lựa chọn của bạn là BlackBerry.

    Nokia và BlackBerry là 2 tên tuổi thống trị thị trường di động nói chung và smartphone nói riêng trong cả một thập kỷ, từ lúc chúng ta bỡ ngỡ làm quen với PC cho đến lúc laptop đã trở thành bình thường. Kỷ niệm của chúng ta không dừng ở Nokia 3310 hay BlackBerry 7290. Với riêng tôi, đó là những tháng ngày ghen tị thằng bạn có N-Gage. Là những ngày mất ngủ vì được thừa hưởng chiếc Pearl của chị gái. Là ánh mắt khinh khỉnh nhìn cái "bọn" dùng iPhone trong khi mình vẫn một lòng với 5800 Xpress Music. Là chiếc Bold có trackpad tuyệt vời, tận tụy phục vụ hàng năm trời cho đến khi "tử nạn" trong máy giặt.

    Đẹp quá.
    Đẹp quá.

    Với bạn, tôi tin những kỷ niệm dành cho Nokia và BlackBerry thừa đủ để chúng ta cùng nhau viết một cái note dài như Harry Potter tập 1.

    Những ngày tháng Nokia và BlackBerry tuột dốc, tôi cũng đã từng như bạn. Tôi đã từng mơ ước về một chiếc Nokia "nghiêm túc" chạy Android, có độ bền đặc trưng của gã khổng lồ Phần Lan, có camera phồng trong lớp vỏ matte sướng tay. Tôi đã từng mơ về một chiếc BlackBerry kết hợp hoàn hảo giữa Android và bàn phím vật lý tuyệt vời của Bold. Tôi mơ về một bản Android mang đậm sắc Dâu Đen, để trải nghiệm Android dễ chịu như BB10.

    Sau MWC 2017, những ước mơ ấy của tôi dần dần thành hiện thực. Nhưng bây giờ cũng là lúc tôi phải đối mặt với hiện thực. Tình yêu của tôi dành cho Nokia và BlackBerry có ý nghĩa gì trong năm 2017?

    Đầu tiên là smartphone Nokia. 3 chiếc smartphone Android mang thương hiệu Nokia do HMD Global sản xuất gần như không có bất kỳ một điểm hấp dẫn nào ngoại trừ tên gọi "Nokia". Về mặt thiết kế, chúng không phải là truyền nhân của Lumia. Về mặt cấu hình, chúng thua kém toàn tập so với tất cả các mẫu Samsung tầm trung mà tôi từng cân nhắc. Về mặt tính năng phần mềm, Nokia 6, 5 và 3 chạy Android gốc. Nói cách khác, "Nokia" của HMD Global chẳng có một chút khẩu vị riêng nào so với Samsung, HTC hay LG.

    Tầm thường quá.
    Tầm thường quá.

    Tiếp theo là "dế" Nokia. Đây đúng là dáng hình chúng ta vẫn tưởng nhớ, nhưng về mặt tính năng, đây vẫn là một chiếc điện thoại "ngu" được sinh ra trong thời đại con người khó lòng có thể làm việc, giải trí hiệu quả nếu không có smartphone. Bạn sẽ chỉ cần đến một chiếc Nokia 3310 nếu như bạn cần pin "trâu" hoặc cần độ bền tuyệt đối, nhưng cùng lúc, bạn vẫn sẽ phải mang bên mình một chiếc iPhone hoặc một chiếc Galaxy nào đó chỉ để giữ liên lạc với gia đình, bạn bè qua 3G và Wi-Fi. Với những người đã có sẵn 2 chiếc smartphone "giáp trụ đầy đủ" như tôi, thời lượng pin hay độ bền cũng chẳng phải là mối lo nữa.

    Nói cách khác, chìa khóa duy nhất cho sự tồn tại của 4 chiếc Nokia vừa được ra mắt là tình yêu quá khứ của tôi và bạn.

    Nhưng ngay từ khi đọc tin đồn về Nokia 6, tôi đã chợt nhận ra rằng tình yêu xưa cũ dành cho Nokia không thể, không thể nào tái sinh cho ngày hôm nay. Bạn làm thế nào để kết hợp N-Gage với Android? Bạn làm thế nào để mang cái dáng "kẹo" đáng yêu của XpressMusic, cái dáng "lá" quý phái của 7610 vào thời đại của những miếng chữ nhật mỏng dính? Bạn cần gì đến một chiếc điện thoại "ngu" khi những chiếc Galaxy J3 qua sử dụng có giá chỉ vào khoảng 2 triệu đồng? N95 ngày trước có biết bao đột phá thú vị, nhưng ngày nay, thế nào mới là "đột phá"? Có đến lượt HMD Global, đến lượt 3 chiếc smartphone tầm trung?

     Độc quá.

    "Độc" quá.

    Trong cuộc trở lại này, tôi cho rằng BlackBerry khôn khéo hơn Nokia. Nếu bạn cần một chiếc Android có bàn phím vật lý tuyệt vời, câu trả lời duy nhất của bạn là KeyOne.

    Nhưng những chiếc BlackBerry bước ra từ giấc mơ như KeyOne hay Priv cũng lại có gót chân Achilles riêng. Đầu tiên là điểm yếu đã dìm BlackBerry xuống vực sâu: đã từ lâu, không còn mấy ai chấp nhận mức giá đắt đỏ chỉ để sở hữu bàn phím vật lý trên smartphone. Trớ trêu thay, với nhóm người dùng phổ thông, bỏ ra 650 USD để sở hữu thương hiệu Táo hay Galaxy sẽ là hợp lý. Bàn phím vật lý, bảo mật... thì không.

    Vậy nên BlackBerry KeyOne, cũng như Priv, như Passport, sẽ phải sống bằng tình yêu của người hâm mộ. Lại thêm một cái "nhưng" nữa: những người yêu quý Dâu Đen hoặc là không còn đủ đông đảo, hoặc là không đủ "nhiệt" để cứu Dâu thoát khỏi con số 0% thị phần vừa đến vào tháng trước.

    Cố quá.
    "Cố" quá.

    Bạn cũng không thể trách tôi không đủ "nhiệt" để tiếp tục nuôi Dâu. Cách đây vài tháng, tôi đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng để mua Priv bản cũ. Nếu lùi thời gian hơn nữa, tôi đã từng tính đến chuyện nhịn quần áo giày dép để mua Passport. Tôi đã từng bỏ ra 10 triệu để mua Q10, chỉ để sau đó cắn răng mua Galaxy S4 cũ vì BB10 quá thiếu app.

    Đi qua tất cả những cơn "hoài cổ" ấy, tôi cũng hiểu ra một sự thật đau xót khác: Kỷ nguyên bàn phím vật lý và trackball, trackpad không thể trở lại hiện tại. Cũng giống như chúng ta yêu film, nhưng cuối cùng vẫn chọn DSLR. Thích thú khi nhìn thấy một hai chiếc TV WEGA còn sót lại, nhưng vẫn chỉ mua LCD hay OLED, QLED. Rất hay kể chuyện 4 nút ngày xưa, nhưng trong lòng thực sự chỉ mơ đến PS4.

    Đau xót, nhưng đây là vấn đề mà BlackBerry và Nokia (hay nói chính xác hơn, TCL và HMD) phải chấp nhận: tìm đường "trở lại" chỉ bằng nỗi lòng hoài cổ không phải là con đường hợp lý. Đến cả các fan Apple, "cuồng" là vậy, cũng đã từng sẵn sàng để cho Táo chết một lần vào giữa thập niên 90. Sự trở lại mạnh mẽ của Táo không phải là bằng cách níu kéo lấy những hào quang xưa cũ, không phải là trông chờ các fan Táo 1984 phải một lần nữa phát cuồng vì những chiếc Macintosh 1996 nhàm chán.

    Cái gì thuộc về quá khứ...
    Cái gì thuộc về quá khứ...

    Bản chất của công nghệ là vậy. Chẳng có mấy fan đủ cuồng để liên tục mua những sản phẩm đắt đỏ và kém ấn tượng như Macintosh ngày trước hoặc KeyOne ngày nay chỉ để thỏa mãn nỗi niềm hoài cổ hay tình yêu thương hiệu.

    Ngày trở lại, Steve Jobs nói "Cuộc chiến PC kết thúc. Microsoft thắng, Apple thua". Rồi ông tạo ra iPod, iPhone, iPad. Cũng giống như Apple của ngày trước, tôi mong chờ 2 gã khổng lồ di động của tuổi thơ (thực ra là tuổi trẻ) trở lại bằng những sản phẩm không-phải-là-điện-thoại nhưng vẫn mang những thế mạnh truyền thống của Dâu Đen, của "Nó Kìa".

    Tôi biết kịch bản ấy rất, rất khó xảy ra. Nên tôi trở lại với thực tại đáng buồn. Những chiếc điện thoại Nokia, BlackBerry không còn đáng mơ ước nữa.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ