Ngày cuối năm: Tâm sự của anh thợ sửa iPhone

    Yến Thanh,  

    Năm 2014 vinh danh những chiếc iPhone, vậy còn những người đứng sau như các anh thợ sửa chữa liệu có được "thơm" lây?

    Có thể nói, năm 2014 được coi là 1 năm thành công rực rỡ của Apple cũng như những chiếc iPhone thế hệ mới. Vào những ngày đầu năm 2015, người ta đã liên tục vinh danh iPhone 6/6 Plus với doanh số khủng cùng những kỉ lục mới được xác lập. Thế nhưng, đó là câu chuyện của những chiếc iPhone, của những chiến lược gia và của những nhà bán lẻ.

    Bên cạnh những ánh hào quang mà iPhone đem lại, vẫn còn đó những con người luôn "đứng đằng sau cánh gà" như những người thợ sửa chữa. Vậy những con người này liệu có được mang tiếng thơm như những sản phẩm gắn liền với cuộc sống của họ và "những thượng đế" - người dùng iPhone nhìn nhận ra sao về người thợ sửa?

    "Thức khuya dậy sớm đã là thói quen"

    Ngày cuối năm, chúng tôi đã có mặt tại một cửa hàng chuyên sửa chữa iPhone trên phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội, để hẹn gặp một tốp thợ được gọi là "lành nghề" trong giới sửa chữa và kiểm chứng về cuộc sống của họ có gì khác biệt so với những công việc khác.

    - Đúng 7 giờ 30 sáng, cửa hàng mở cửa, nhóm thợ vội vã đem đồ ăn sáng mang đi từ nhà rồi mỗi người một góc mà ăn. Người thì gói xôi, cái bánh, thậm chí là mang cả cái bánh chưng để cho qua bữa sáng.

    - 8 giờ kém 15 phút, bữa sáng đã xong, ai nấy mỗi người một việc. Anh này quét dọn lại cửa hàng, anh này pha ấm nước, anh kia dỡ đồ nghề, rồi anh nữa thì lúm khúm thắp hương cầu cho một ngày làm việc thuận lợi. Ngoài kia, khi cả con phố vẫn nằm yên chờ Tết đến thì cửa hàng gần như chưa có chút nào "không khí" năm mới.

    - 8 giờ đúng, khi mọi thứ đã đâu vào đấy, mọi người mới quây quần bên bàn nước và kể cho nhau nghe những câu chuyện của mình. "Hàng ngày cứ 7 rưỡi là bọn anh có mặt, dọn dẹp xong cứ phải làm ấm trà thì mọi việc mới nhanh được, kể cả tới trưa mới có khách nhưng anh chủ đã quy định nên hầu như chẳng ai dám đến muộn", một anh thợ khác tiếp lời, "Bọn anh thức khuya dậy sớm đã là thói quen rồi, Tết ở nhà được ngủ cũng chẳng ngủ nổi."

    - 9 giờ 10 phút, sau khi trò chuyện được một lúc, bắt đầu đã có khách tới cửa hàng, ai nấy đều vào vị trí của mình, người thì ngồi tiếp tục công việc sửa chữa từ ngày hôm qua, người ngồi vọc vạch các lỗi mới và kinh nghiệm trên các diễn đàn hoặc có anh thì đứng trực để mở cửa cho khách.

    Vì đã là ngày cuối năm, nên lượng khách hàng kéo tới để kiểm tra máy hoặc sửa chữa là không hề ít, chắc hẳn ai ai cũng muốn đảm bảo chiếc iPhone của mình sẽ chạy êm trong những ngày Tết sắp tới. Càng về đến buổi trưa, lượng khách đông đột biến, người thì tới chọn mua ốp lưng, người thì tới thay pin hoặc đơn giản là ra "chơi" với đám dân thợ...

    - Đúng 12 giờ, khi khách đã ra về gần hết, các anh mới bắt đầu chuẩn bị ăn trưa, những tưởng ngày cuối năm sẽ được một bữa thật ngon, nhưng không, vẫn thói quen tiết kiệm ngày thường, một anh nhanh nhảu rút điện thoại dõng dạc: "Chị ơi, cho 5 suất 15k nhiều cơm nhé!", anh cười rồi nói tiếp "Ở đây ai cũng ăn cơm Bách Khoa, vừa rẻ, vừa nhiều, không tin chú cứ ăn thử, bữa nay bọn anh mời."

    Quả thật, dù chỉ là suất cơm 15 ngàn đồng nhưng đầy đủ và tươm tất chẳng kém gì bữa cơm gia đình. Khi được hỏi về chất lượng của những bữa cơm trưa thế này, một anh thợ vui vẻ: "Biết là tiền nào của nấy nhưng không tiết kiệm thì bao giờ mới lên đời hả chú. Khách thì lúc nào cũng đông nhưng lương của bọn anh thì mấy khi tăng. Thôi thì sướng cái thân đành khổ cái miệng vậy."

    Khi khách hàng là thượng đế

    Sau bữa cơm trưa, thông thường các anh thợ sẽ có khoảng 1 tiếng để nghỉ ngơi. Tranh thủ lúc này, các anh có dịp kể về những chuyện buồn vui thường ngày và đặc biệt là về khách hàng - những thượng đế đích thực của thị trường iPhone.

    "Xét cho cùng, sửa gì thì sửa chứ sửa iPhone như bọn anh là cực nhất, một cái iPhone đến mười mấy triệu đồng, kiếm được từ việc sửa chữa chẳng đáng là bao mà nhỡ ra máy khách vào tay mình có vấn đề gì thì ốm đòn. Ở nhiều nơi, người ta bịa ra trăm ngàn lý do để tránh phải đền máy chứ ở đây chẳng bao giờ có chuyện đó. Tất nhiên, gặp khách mát tính thì may chứ gặp phải ông hâm hâm thì mệt."

    Nhấp cốc trà, anh hạ giọng:

    "Điện thoại gì anh chẳng biết chứ khách dùng iPhone, phần nhiều là kiêu căng lắm. Khách hàng là thượng đế mà lại là thượng đế cao cấp chứ. Nhưng có phải ai cũng hiểu chuyện đâu, thay cái màn hình, bọn anh được 100k, thay cục pin, anh được 50k, tính sơ sơ chứ ngày thay giỏi lắm được 10 viên, kiếm về chẳng đáng bao nhiêu mà khách thì nạt thợ."

    "Ngẫm lại cái nghề này nó khó ở chỗ, người ta làm ra sản phẩm để bán, còn mình là thằng đi sửa, nói đúng ra thì khách hàng tìm đến mình khi có sự cố hay hỏng hóc, do đó, tâm lý khi khách đến với mình cũng chẳng thể vui vẻ nổi. Bởi chẳng ai thích phải đi sửa chữa, dù là từ cái kim, con ốc. Mà mình cũng là con người, có lúc thoáng tính thì phải có lúc nóng nảy. Nhiều khi điên cả người với khách nhưng vẫn phải tỏ ra bình thường vì họ là người trả tiền."

    Một anh thợ khác chia sẻ:

    "Đúng đấy. Nghề thợ như bọn anh, bạc bẽo lắm, đi làm cực nhọc đã đành nhưng cái quan trọng là nhiều khách chẳng bao giờ hiểu mình. Máy hỏng thì họ mang đi sửa, cứ có lỗi là đổ hết cho thợ, chả nhẽ khi đó lại không sửa nữa?

    Một trường hợp đơn giản thế này, một khách nọ đem iPhone 5 tới sửa, ban đầu thì bảo máy hay sập nguồn, sau bọn anh tìm ra bệnh là do màn hình có vấn đề thì khách nhất quyết không chịu lỗi đó. Đôi co một hồi, mình phải mở cả máy ra cho họ xem, ráp hẳn cái màn cũ thì họ mới chịu thay, thậm chí là hậm hực.

    Chưa hết, nhiều khách phải nói là "mưu mô", họ biết máy hỏng điểm nào nhưng cứ cố tình nói sai để bọn anh kiểm tra rồi sửa. Cuối cùng, bọn anh té ghế, là hỏng chỗ khác, khách thì cứ vậy mà ăn vạ. Cũng may là sau thỏa thuận thì họ mới thôi. Tất nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, có người nọ người kia, cũng có nhiều khách rất tốt và sòng phẳng. Đôi khi mình sửa nhanh, khách còn mua thêm mấy đồ phụ kiện coi như ủng hộ."

    Nói vậy để thấy, đối với khách hàng, thì phần lớn dân sửa chữa đều được xếp ở "chiếu dưới", có quyền bắt bệnh, có quyền kiểm tra nhưng lại không có quyền quyết, bởi chỉ khi khách hàng đồng ý thỏa thuận sửa chữa, họ mới dám làm. Trớ trêu gặp được khách tốt thì công việc thuận lợi, nhưng nóng nảy thì lại hỏng cả đôi đường.

    Ngoài ra, công việc sửa iPhone cũng tiềm ẩn đầy những may rủi bởi phần lớn các máy phải đem đi sửa chữa, đều có nguy cơ "chết bất đắc kỷ tử" rất cao. Trong khi đó, người dùng lại chỉ biết kêu thợ khi máy mình gặp phải sự cố ngoài mong muốn. Do đó, nếu thiện chí có thể đến từ cả 2 bên thì sẽ chẳng có những scandal, sự cố như người dùng thường đồn đại.

    "Anh là thợ chứ không phải thầy"

    Tạm gác lại câu chuyện về những điều không vui với các "thượng đế", khi được hỏi về sự thăng hoa của iPhone trong năm 2014 có đem lại điều gì tích cực trong công việc, một anh thợ chia sẻ:

    "iPhone thì năm nào cũng bán chạy hết, mà kể cả là có thì ông bán hàng hưởng, ông Apple hưởng chứ bọn anh đâu có lợi gì. iPhone bán được nhiều thì bọn anh có thêm nhiều máy sửa, nhưng trớ trêu ở chỗ, máy đời cũ như iPhone 4 hay 4S thì thoải mái chứ lên tới iPhone 5 hay 5S là khó rồi. Hoặc như iPhone 6 với iPhone 6 Plus thì bọn anh còn phải tìm hiểu dài.

    Bởi lẽ, iPhone càng nâng cấp lên cao thì việc sửa chữa càng khó khăn, thói đời nó là vậy. Trong khi đó, sửa iPhone 5S đâu có kiếm được thêm mấy so với iPhone 4S, mà đồ nghề sửa chữa cũng phải nâng cấp nhiều. Thậm chí, nhiều dụng cụ không mua được mình phải tự chế nhiều lần mới thành công. Điển hình như iPhone 5S, cũng gần như là cao cấp nhất nhì hiện nay, nhiều trường hợp bọn anh chẳng dám nhận bởi nhận xong chẳng sửa nổi."

    Chia sẻ về những ước mơ trong năm mới:

    "Đã là thợ sửa chữa, anh em nào ở đây cũng muốn sở hữu cho riêng mình một cửa hàng dù lớn hay nhỏ, bởi trong đời ai chẳng muốn tự mình làm chủ. Tuy nhiên, con đường này còn xa lắm, vì anh là thợ chứ không phải thầy. Còn năm mới phải hơn năm cũ chứ, công việc rồi lương thưởng là phải hơn rồi. Ai còn độc thân rồi sẽ có người nâng khăn sửa túi.

    Nói vui vậy, chứ với những công việc thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng thế này, thì điểm quan trọng là mong người dùng sẽ thông cảm cho công việc của mình. Tất nhiên, hỏng máy càng nhiều mang tới đây bọn anh sửa."

    Thay cho lời kết

    Trong khi iPhone đang trở thành một món hàng "hot" được nhiều người dùng săn đón thì áp lực trên vai của những người dùng thầm lặng như thợ sửa chữa là không nhỏ. Xin mạn phép trích lời từ một anh thợ nọ:

    "Làm thợ sửa cũng phải có tâm, cần nhất hai chữ trung thực và tận tụy. Tuy nhiên, nhiều anh thợ ngày nay lại vì cái lợi trước mắt đã đánh mất cái tâm của mình, để rồi sự nghi kị của người dùng ngày càng tăng lên. Nhiều khi muốn bỏ nghề lắm, nhưng nghĩ tới việc biến những "cục gạch" trở nên hoạt động bình thường, mình lại có động lực trở lại."

    Có thể bài viết chỉ thể hiện được một góc nào đó từ chân dung của những anh thợ sửa chữa vui tính, luôn miệng cười đùa mỗi khi có khách hàng. Tuy nhiên, hy vọng, sau bài viết này, bạn đọc sẽ rút hiểu thêm về những con người này cũng như thông cảm cho nỗi khổ tâm của những anh thợ vốn chỉ như "con ong, cái kiến".

    Mong rằng, sau đây, người dùng sẽ rút ra được thêm nhiều kinh nghiệm cho bản thân khi đem iPhone nói riêng và smartphone nói chung đi sửa chữa. Bởi với sự nhún nhường và thấu hiểu từ cả hai phía, các anh thợ sẽ được công còn người dùng sẽ được việc.

    >> Nhộn nhạo thị trường iPhone cũ dịp sát Tết: hết năm, chết pin!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ