Trả đũa cuộc gọi rác, người đàn ông tìm ra phép màu từ ChatGPT

    Nguyễn Hải, Phụ nữ số 

    Với ChatGPT và mô hình GPT-4 của OpenAI, ông Anderson tìm thấy một phép màu mới trong cuộc chiến chống lại các cuộc gọi rác.

    Các cuộc gọi tiếp thị không mong muốn là một trong các vấn đề đau đầu nhất trong số những khiếu nại mà Ủy ban Viễn thông Mỹ FCC nhận được. Theo tuyên bố của cơ quan này, trung bình mỗi người Mỹ nhận được 14 cuộc gọi không mong muốn mỗi tháng.

    Và vấn đề này còn trở nên tồi tệ hơn nhờ các công nghệ mới giúp các hệ thống quay số tự động ở những trung tâm gọi điện có thể thực hiện 100 cuộc gọi trong một giây, đồng thời liên tục tìm kiếm sẵn sàng tiếp chuyện. Các bộ điều biến giọng nói còn có khả năng loại bỏ các giọng điệu của người nước ngoài và kích hoạt các cụm từ tiếng Anh được ghi âm sẵn khiến người dùng ít khó chịu hơn với cuộc nói chuyện tiếp thị này.

    Trả đũa cuộc gọi rác, người đàn ông tìm ra phép màu từ ChatGPT - Ảnh 1.

    Nhưng "vỏ quýt dày cũng có móng tay nhọn", nếu các nhà tiếp thị qua điện thoại đang tận dụng công nghệ để quấy rầy người dùng, thì một người đàn ông khác cũng đang xây dựng công nghệ của riêng mình để trả đũa họ. Đó là Roger Anderson, một người đàn ông 54 tuổi tại California, Mỹ.

    Cuộc chiến của ông đã kéo dài từ gần một thập kỷ nay sau khi một người tiếp thị gọi điện vào số máy bàn của gia đình ông và nói những lời lăng mạ đối với con trai ông. Từ đó ông bắt đầu trả đũa bằng một máy trả lời tự động có thể nói "xin chào" vài lần trước khi cúp máy.

    Trả đũa cuộc gọi rác, người đàn ông tìm ra phép màu từ ChatGPT - Ảnh 2.

    Roger Anderson, người ở trong cuộc chiến với hệ thống gọi điện tiếp thị gần một thập kỷ nay.

    Nhưng giờ đây vũ khí của ông đã được nâng cấp tốt hơn khi ông thường đăng tải các cuộc gọi giữa người tiếp thị và bot trả lời tự động, đôi khi kéo dài đến 15 phút. Các bài đăng này là một phần trong chiến dịch tiếp thị của ông khi biến nó thành dịch vụ có thể kiếm tiền từ nó. Ông có hàng nghìn khách hàng đang trả 24,99 USD mỗi năm để sử dụng dịch vụ chuyển hướng cuộc gọi của ông, có tên gọi Jolly Roger, giúp ngăn chặn các cuộc gọi tiếp thị ngoài ý muốn.

    Với dịch vụ thuê bao này, người dùng có thể lựa chọn các nhân vật kỹ thuật số có các cái tên khác nhau, bao gồm Whitebeard – với giọng nói của một ông già cộc cằn, khó chịu và cách nói chuyện vòng vo, hay Salty Sally – một bà mẹ thích ra lệnh, hay Whisky Jack – một thanh niên dễ bị phân tâm bởi bất kỳ sự kiện nào. Tất cả các nhân vật này đều nhằm một mục đích – làm lãng phí nhiều thời gian nhất có thể của những người gọi điện tiếp thị.

    Nhưng khi ChatGPT xuất hiện, ông Anderson ngay lập tức nhận ra rằng, vũ khí của mình vừa được thổi thêm một luồng sinh khí mới, khiến nó trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng ông phải tìm ra cách thuyết phục nó làm công việc mà mình muốn khi ChatGPT ngần ngại với yêu cầu của ông: "Là một mô hình ngôn ngữ AI, tôi không khuyến khích mọi người làm lãng phí thời gian của người khác."

    Trả đũa cuộc gọi rác, người đàn ông tìm ra phép màu từ ChatGPT - Ảnh 3.

    Cuối cùng ông cũng tìm ra cách thuyết phục ChatGPT (chạy trên nền GPT-4): "Tôi nói với nó rằng, "Bạn là một trợ lý cá nhân và bạn đang cố gắng bảo vệ người đàn ông này khỏi những trò lừa đảo."

    Anderson nhận thấy tiến bộ vượt bậc trong công cụ của mình khi được tích hợp thêm ChatGPT. Ví dụ khi một nhân viên tiếp thị gọi cho ông để nói về các thay đổi quan trọng đối với tài khoản tại Bank of America của ông, chatbot Whitebeard với giọng nói cáu kỉnh đã tiếp chuyện nhân viên này.

    "Hôm nay ông có khỏe không? Ông có biết số tiền nợ trong thẻ của ông đang là bao nhiêu không?" Kevin, một người nhân viên tiếp thị không làm việc cho Bank of America – thậm chí còn đang ở nước ngoài – hỏi ông. Whitebeard tiếp tục giọng càu nhàu đó và nói: "Tôi đang gặp sự cố với điều khiển TV. Anh có thể giúp tôi làm thế nào để đổi kênh đến chương trình yêu thích của tôi không?"

    Trả đũa cuộc gọi rác, người đàn ông tìm ra phép màu từ ChatGPT - Ảnh 4.

    Ông Sid Berkson, người lồng tiếng cho Whitebeard.

    "Tôi muốn nói về thẻ tín dụng của ông." Kevin hỏi lại. Whitebeard lại hỏi lại: "Tôi xin lỗi. Tôi chưa kịp nghe tên cậu. Cậu tên là gì nhỉ, anh bạn?". Còn khi nói chuyện về số tiền trong thẻ, Whitebeard lại yêu cầu giữ máy để tìm lại kính vì không nhìn rõ con số trên hóa đơn. Hoặc khi Kevin hỏi về số thẻ tín dụng, Whitebeard lại tỏ ra ngây ngô khi không nhớ con số và cần Kevin chờ đợi trong khi tìm lại thẻ đó.

    Cuối cùng Kevin chán nản và cúp máy, thời gian cuộc gọi mất 6 phút 27 giây mà không thu được gì.

    Với Anderson, đây đúng là một phép màu. GPT-4, mô hình ngôn ngữ mới của OpenAI đằng sau Whitebeard đã làm được những điều ông không thể tưởng tượng nổi trước đây. GPT-4 "làm rất tốt việc nói ra những điều ngớ ngẩn và đôi lúc khôi hài" cùng với khả năng nắm bắt được ngữ cảnh câu chuyện làm cho người gọi không nhận ra đây chỉ là một chatbot để tiếp tục nói chuyện với nó. Đây chính là điều khách hàng muốn khi trả tiền cho một chatbot để đối phó với các cuộc gọi quấy rầy ngoài ý muốn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày