Trải nghiệm Apple Airpod với điện thoại Android: Xăng pha nhớt nhưng cũng không quá tệ!

    M.Đức,  

    Apple Airpod là một sản phẩm tuyệt vời nếu sử dụng với hệ sinh thái của "Táo", nhưng nếu "lỡ yêu" cặp tai nghe này nhưng không sử dụng iPhone hay iPad thì sao? Sau đây là trải nghiệm của mình sau 1 tuần sử dụng Airpod với điện thoại Android.

    Apple Airpod là một sản phẩm đậm chất "Táo", từ thiết kế tới cách sử dụng. Trong bài so sánh cặp tai nghe này với sản phẩm không dây cao cấp Sony WF-1000x, mình đã kết luận những ai sử dụng hệ sinh thái từ Apple thì vẫn nên lựa chọn Airpod vì tính tiện dụng cao, khả năng kết nối tức thì. Nhưng nếu sử dụng Android thì cặp tai nghe này còn là một lựa chọn đúng đắn?

    Vấn đề về sạc

    Trở ngại đầu tiên khi sử dụng Airpod với các sản phẩm Android đó là vấn đề sạc. Hộp sạc của Airpod sử dụng cổng Lightning độc quyền, khác với dây sạc micro USB hoặc USB Type C trên các điện thoại hiện nay. Trong hộp của tai nghe đã có sẵn 1 dây nên người dùng không cần phải đi mua, nhưng trong trường hợp sợi dây này hỏng người dùng không thể dùng dây sạc điện thoại để sạc tai nghe! Hoặc nếu như di du lịch, người dùng sẽ phải nhớ đem cả 2 loại dây chứ không thể dùng chung được.

    Về thiết kế

    Cá nhân mình, là một người quen với kiểu tai nghe nhét trong sử dụng mút, rất ghét thiết kế và cả độ hoàn thiện của Apple Airpod. Tai nghe được làm bằng nhựa bóng nên dễ xước, dễ bám bẩn. Hơn nữa khi đặt lên tai, những phần nhựa cứng này sẽ cọ vào vành tai trong nên trong một thời gian dài sẽ cho cảm giác cấn. Khả năng đeo vừa này tùy vào mỗi người, nhưng Airpod không có sự đa dạng về cách đeo như các sản phẩm khác.

    Thời gian chơi nhạc

    Có thân hình nhỏ bé, nhưng Airpod cho thời lượng nghe nhạc cao một cách bất ngờ. Tai nghe có thể "trụ" được tới 5 tiếng và tăng lên 24 tiếng nếu sử dụng với hộp sạc. Các cặp tai nghe không dây đang dần hoàn thiện về vấn đề này, nhưng vẫn còn thua xa Apple!

    Tính năng thông minh

    Khi sử dụng Airpod với điện thoại Android, một số tính năng thông minh sẽ bị vô hiệu hóa, nhưng một số vẫn có cách để sử dụng được:

    - Khả năng tự ngắt nhạc khi rút tai nghe ra khỏi tai không hoạt động, Đây đơn giản chỉ là một cảm biến tiệm cận, nên Apple hoàn toàn có thể làm nó hoạt động được với các thiết bị khác nhưng họ vô hiệu hóa đơn giản vì họ "thích thế"!

    - Mặt cảm ứng bên ngoài tai nghe vẫn sử dụng được với Android để nhận cuộc gọi, chơi / dừng bài hát nhưng mặc định sẽ không gọi được trợ lí ảo của Google. Tuy vậy có một ứng dụng mang tên AirpodsforGA giúp người dùng có thể chỉnh thao tác này để sử dụng Google Now, nên tính năng này coi như vẫn hoạt động bình thường!

    - Android không thể đọc được dung lượng pin Airpod một cách chính xác, chỉ có các thiết bị Apple mới làm được điều này.

    - Khi sử dụng với iPhone / iPad, kể cả khi thiết bị đã tắt Bluetooth nhưng khi nhận ra một cặp Airpod ở gần thì 2 sản phẩm cũng sẽ tự kết nối. Nhưng với Android, người dùng hoặc là phải tự tay bật Bluetooth, hoặc phải bật tính năng này 24/7 để có thể kết nối nhanh với Airpod.

    - Người dùng mất đi tính năng kết nối nhiều thiết bị qua tài khoản iCloud vì một lí do rất đơn giản...Android không sử dụng dịch vụ iCloud.

    Khả năng trình diễn

    Một ưu điểm bất ngờ của Apple Airpod là độ trễ với nguồn thấp hơn so với các sản phẩm tai nghe không dây True Wireless khác! Điều này có thể lí giải bằng việc Apple sử dụng quy chế xử lí tín hiệu số (DSP) khác với các hãng khác, cho tốc độ xử lí nhanh hơn, giảm được độ trễ tới mức tối đa. Chính vì vậy, những ai sử dụng tai nghe không dây để xem phim hoặc chơi game thì Airpod không phải là lựa chọn tồi.

    Thế nhưng khi sử dụng tai nghe để nghe nhạc thì lại là một câu chuyện khác. Khi so sánh với WF-1000x, Airpod có chất âm khá mỏng, đôi khi tới mức loãng. Một kết luận tương tự cũng có thể được rút ra khi so Airpod với...bất kì một cặp tai nghe không dây hoàn toàn nào trên thị trường ở cùng tầm giá.

    Nếu như đã nghe qua cặp Jabra Elite Sport, Bose Soundsport Free, hay chuyển qua các tai nghe không dây có vòng cổ như Sennheiser Momentum Free sẽ nhận ra một điểm chung: Apple tinh chỉnh âm thanh chả giống ai cả! Phần trầm làm ít lượng, nên những bài nhạc nhạc Dance sẽ không ấn tượng bằng các cặp tai nghe từ hãng khác. Hơn nữa giọng ca sĩ được thể hiện khá xa người nghe, nên không tạo cảm giác gần gũi, tình cảm!

    2 ưu điểm trong chất âm của cặp tai nghe này đó là dải cao và độ thoáng. Dải cao nhiều lượng, lại sáng sủa, cộng với kiểu đeo hở nên Airpod cho âm trường rộng rãi, thoải mái hơn nhiều so với các cặp tai nghe không dây có kiểu đeo nhét trong.

    Ta không thể nói Airpod kém hơn tất cả những cặp tai nghe không dây trong tầm giá được, điều đó phụ thuộc vào gu thưởng thức nhạc của mỗi người. Nếu như "lỡ yêu" chất âm của Apple thì không có lí do gì phải lựa chọn sản phẩm khác. Nhưng với đa phần người chơi, đã đầu tư một số tiền lớn như vậy cho âm thanh, thì có lẽ sẽ tìm tới những cặp tai nghe có chất âm cá tính, tính kĩ thuật cao hơn.

    Tổng kết

    Vẫn như thường lệ, Apple với chính sách "bế quan tỏa cảng" của mình giúp những sản phẩm của họ có tính tiện dụng cực kì cao nếu sử dụng với hệ sinh thái của mình, nhưng lại không tương thích hoàn toàn các hãng khác. Với tầm giá 4 triệu đồng mà hãng đưa ra, có nhiều sản phẩm không dây khác có nhiều tính năng và cho khả năng trình diễn nhạc cao hơn. Sử dụng Apple Airpod cùng điện thoại Android không thực sự dở tệ, nhưng người dùng sẽ không tận dụng được hết khả năng của cặp tai nghe này, không tận dụng được hết số tiền (khá lớn) mà họ bỏ ra.

    Ưu điểm

    - Thiết kế tối giản kiểu Apple

    - Thời gian chơi nhạc rất tốt

    - Cách đeo và kiểu âm thoáng

    Nhược điểm

    - Khả năng đeo không đa dạng

    - Mất đi nhiều tính năng thông minh khi dùng với Android

    - Âm trầm ít lượng

    - Độ chi tiết âm thanh không cao bằng các sản phẩm cùng giá

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ