Tuyển thủ eSports chuyên nghiệp, một nghề nghiệp mới thu hút lạ thường

    Kuroe,  

    10 năm trước, có lẽ chẳng ai tin rằng "chơi điện tử ở trình độ chuyên nghiệp" lại trở thành một nghề nghiệp đầy hấp dẫn như hiện tại. Và quả thật, bộ môn thể thao điện tử trong vài năm trở lại đây đã đạt được những bước tiến rất xa.

    Năm 2011, Dorothy Schmale tiễn cậu con trai 14 tuổi lên đường tại bến bus Port Authority, thành phố New York. Từ trước đến giờ, trong mắt Dorothy, trò chơi điện tử chỉ là một thứ sở thích của cậu con trai Michael, không hơn không kém. Mặc dù cô rất lo chuyện con mình mải chơi quên làm bài tập về nhà, nhưng ít ra thằng bé cũng chỉ ở nhà mải chơi điện tử chứ không bị cuốn vào những rắc rối của những đứa nhỏ đồng trang lứa. Thế nên ngày tiễn cậu con trai mình đi Ohio, nơi cách nhà 13 tiếng đồng hồ đi bus, cũng là ngày mà cô phải đưa ra một quyết định rất khó khăn: đồng ý cho Michael tham gia vào một giải đấu Call of Duty chuyên nghiệp.

    Sáu năm sau, cậu bé Michael Schmale ngày nào đã chính thức đặt bút ký bản hợp đồng trở thành gương mặt đại diện cho tổ chức eSport Ghost Gaming, và trở thành một tuyển thủ chuyên nghiệp với mức lương 4.000 USD mỗi tháng. Bên cạnh đó, việc ký hợp đồng với Ghost Gaming cũng mang lại cho Michael (giờ còn được cộng đồng CoD biết đến với cái tên SpaceLy) khoản tiền thưởng lên tới 50.000 USD. Chưa hết, Michael cùng các đồng đội của mình sẽ sinh hoạt tại một căn hộ 10 phòng ngủ nhìn xuống Hollywood, căn hộ mà trước đây đã từng thuộc về Justin Bieber.

    Tuyển thủ eSports chuyên nghiệp, một nghề nghiệp mới thu hút lạ thường - Ảnh 1.

    SpaceLy (thứ hai bên trái) cùng các đồng đội của mình tại Ghost Gaming

    Doanh thu của Ghost Gaming tới chủ yếu từ phần thưởng của các giải đấu cũng như tiền của nhà tài trợ. Họ dùng số tiền đó để trả lương cho các tuyển thủ của mình, cũng như để cung cấp những tiện nghi cần thiết như huấn luyện viên, quản lý, đầu bếp, cũng như huấn luyện viên thể hình riêng. Quan điểm của Ghost Gaming, cũng giống như rất nhiều tổ chức eSport chuyên nghiệp khác ở thời điểm hiện tại, đó là coi những tuyển thủ chuyên nghiệp của mình như những vận động viên thể thao đích thực: những người cần có chế độ ăn uống, luyện tập, sinh hoạt một cách vô cùng hợp lý và khắt khe.

    Việc một công ty đầu tư rất nhiều tiền của cho các cô cậu thanh thiếu niên để họ sống trong một căn biệt thự xa hoa và chơi điện tử, có lẽ đã phần nào cho thấy thể thao điện tử giờ đây đã tiến xa tới mức nào. Năm 2017, riêng mảng eSport đã mang tới doanh thu 1,5 tỉ USD trên toàn thế giới, và được kì vọng sẽ đạt mức 2,3 tỉ USD vào năm 2022, theo như số liệu đã được SuperData thống kê. Và đương nhiên, những khoản tiền khổng lồ kể trên cũng đã góp phần biến tuyển thủ eSport chuyên nghiệp trở thành một loại nghề nghiệp mới được rất nhiều người trên thế giới theo đuổi, thậm chí còn trở thành một nghề được rất nhiều người trẻ mơ ước.

    Với những tiến bộ của ngành AI và robot tự động, các nhà kinh tế trên toàn thế giới đã đưa ra đủ thứ dự báo đen tối về một tương lai con người bị máy móc cướp mất việc làm. Thời gian trôi qua, tuy những công nghệ mới đã dần khiến cho sức người trở nên không còn cần thiết như trước đây, thế nhưng tình trạng thất nghiệp lại không tới mức trở nên đáng báo động như những điều mà người ta quan ngại từ trước. Tương lai tăm tối đó không xảy ra, một phần là nhờ vào sự xuất hiện của nhiều nghề nghiệp mới, mà tuyển thủ chuyên nghiệp là một trong số đó.

    Tuyển thủ eSports chuyên nghiệp, một nghề nghiệp mới thu hút lạ thường - Ảnh 2.

    Sân khấu hào nhoáng này là nơi mà các tuyển thủ chuyên nghiệp thuộc về

    Những nghề nghiệp mới như vậy vẫn đang hàng ngày xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới. Những nghề mà có lẽ chỉ chục năm trước đây vẫn chẳng ai nghĩ nó sẽ trở thành sự thực. Có một số nghề nghiệp mới biến mất nhanh cũng chẳng kém gì cái tốc độ mà nó xuất hiện, và cũng sẽ có những nghề trở thành mơ ước của cả một thế hệ con người.

    Tuyển thủ chuyên nghiệp, tuy là một nghề nghiệp đáng mơ ước với mức lương khổng lồ, nhưng cũng có rất nhiều rủi ro đi kèm theo đó. Một rủi ro khá lớn đến từ việc tuổi nghề rất ngắn, khi mà tuyển thủ sau 25 tuổi đã có thể coi là bước sang "bên kia sườn dốc" được rồi. Tất nhiên, những lựa chọn dành cho những game thủ chuyên nghiệp đã giải nghệ giờ đây cũng rất nhiều, rất phong phú. Họ có thể trở thành huấn luyện viên, streamer, hoặc tiếp tục là gương mặt đại diện cho các hãng phần cứng và gaming gear. Thậm chí, 25-26 tuổi vẫn chưa phải là quá muộn để quay trở lại học tập và tìm kiếm những công việc "ổn định" khác.

    Còn về phía Michael Schmale, những rủi ro của nghề chẳng làm cậu chùn bước. "Tôi hiểu rằng nghề này vẫn còn hết sức bấp bênh, mọi thứ có thể sẽ thay đổi hoàn toàn khi ngày mai tới. Nhưng tôi không sợ, bởi nó là đam mê của tôi," cậu tuyển thủ 21 tuổi chia sẻ.

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ