Vấn đề thật sự với thanh điều hướng của Android P

    Bình Minh,  

    Android P sở hữu hệ thống thao tác bằng cử chỉ hoàn toàn mới, tuy nhiên nó không giải quyết được vấn đề mà người dùng đang gặp phải và còn khiến mọi thứ trở nên tệ đi.

    Mới đây, Google đã tung ra bản beta thứ hai của Android P dành cho lập trình viên với rất nhiều thay đổi. Một trong những tính năng nổi bật nhất chính là hệ thống điều hướng mới bằng cử chỉ. Nút Home truyền thống được thay thế bằng một thanh ngang, và người dùng có thể đặt ngón tay vào thanh ngang này và hất lên để vào giao diện đa nhiệm, nay được thiết kế dạng thẻ bài.

    Hệ thống điều hướng mới của Android P

    Nhiều người cho rằng với hệ thống điều hướng mới này, Google đang sao chép những gì Apple đã làm với iPhone X. Đến đây, hàng loạt cuộc tranh cãi trên các diễn đàn nổ ra về việc ai là người sao chép ai.

    Trong quan điểm của chúng tôi, đây không phải là điều quan trọng. Apple hay Google có thể sao chép bất kỳ ai, miễn rằng nó đem lại một trải nghiệm tốt và giá trị đích thực cho người dùng. Picasso cũng từng nói: "Good artists copy; great artists steal" (Nghệ sĩ giỏi sẽ sao chép, còn nghệ sĩ vĩ đại sẽ biết cách ăn cắp).

    Vậy hệ thống điều hướng của Android P có đem lại trải nghiệm tốt hay không? Câu trả lời là không.

    Với trào lưu màn hình tràn viền đang ngày một nở rộ, để có được trải nghiệm "toàn màn hình" nhất có thể, các hãng đang dần chuyển sang sử dụng điều hướng bằng cử chỉ nhằm thay thế cho nút ảo trên màn hình. Android P lại không giải quyết được vấn đề này và vẫn để lại một dải đen ở dưới cùng màn hình, choán chỗ của các ứng dụng. Thanh điều hướng này giờ đây lại trở nên lệch lạc, mất cân đối do không còn phím đa nhiệm.

    Thanh điều hướng vẫn xuất hiện và choán chỗ các ứng dụng

    Lý do dẫn đến điều này là cách tiếp cận vấn đề của Google chưa đúng. Trong Android P, Google có vẻ như đang cố gắng triệt tiêu nút đa nhiệm (Recent). Tuy nhiên, mỗi khi vào một ứng dụng bất kỳ thì thì thanh điều hướng vẫn phải hiển thị để chứa nút quay lại (Back). Nút Back này mới chính là thứ Google cần tập trung giải quyết.

    Đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Kể từ thời điểm Android lần đầu ra mắt năm 2008, đã có nhiều lần cấu trúc nút bấm của hệ điều hành này thay đổi. Những chiếc máy Android nguyên thủy từng có đến 4 nút vật lý là Home - Back - Menu và Search. Sau này, nút Search và Menu đã biến mất và được thay thế bằng Recent (đa nhiệm).

    Nexus S (Android 2.3 Gingerbread) và Galaxy Nexus (Android 4.0 Ice Cream Sandwich) với cấu trúc phím bấm hoàn toàn khác biệt

    Tuy nhiên, nút Back vẫn luôn là một phần quan trọng của hệ điều hành này. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng một chiếc máy Android không có nút Home hay Recent, nhưng bạn buộc phải có nút Back.

    Vấn đề thật sự với thanh điều hướng của Android P - Ảnh 4.

    Nút Back là vấn đề lớn nhất mà Google cần giải quyết

    Nếu như với iOS, các lập trình viên buộc phải đưa nút Back vào trong giao diện của ứng dụng (do iPhone và iPad không có nút Back vật lý), thì với Android, đa số các lập trình viên không phải làm như vậy. Chính điều này đã tạo nên một trở ngại rất khó khăn cho Google khi chuyển sang hệ thông thao tác cử chỉ, do họ không thể loại bỏ phím Back.

    Thực tế, đã có một số nhà sản xuất cố gắng giải quyết vấn đề này. Xiaomi, Oppo và Vivo đều đưa ra cách riêng của mình, nhưng về cơ bản là dựa trên cùng một phương pháp là ẩn phím Back đi. Xiaomi đưa phím back sang mép trái của màn hình, còn Oppo và Vivo cho phép người dùng có thể vuốt ở cạnh trái hoặc phải ở mép dưới.

    Vấn đề thật sự với thanh điều hướng của Android P - Ảnh 5.

    Xiaomi di chuyển nút back sang mép trái màn hình

    Vấn đề thật sự với thanh điều hướng của Android P - Ảnh 6.

    Oppo/Vivo thì lại cho phép người dùng tùy chọn đặt ở bên trái/phải của mép dưới màn hình

    Nhưng, đó chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời. Cách làm của những hãng trên tuy có giúp ẩn được thanh điều hướng, tuy nhiên khi xét đến trải nghiệm người dùng thì nó lại đem đến một số vấn đề. Với cách gạt từ cạnh trái màn hình của Xiaomi, người dùng có thể bị nhầm lẫn với thao tác gạt để mở menu của một số ứng dụng. Còn với cả Xiaomi, Oppo và Vivo, cách thức này đều tạo trở ngại cho người dùng. Do nút Back không hiện hữu trên màn hình, đôi khi họ sẽ lúng túng và cảm thấy bị "lạc" do không biết phải làm gì.

    Có thể bạn là một người trẻ, am hiểu công nghệ và sẽ không gặp phải vấn đề trên. Nhưng, đa số người dùng ngoài kia lại không được như vậy.

    Nếu Google thật sự nghiêm túc trong việc chuyển sang hệ thống điều hướng bằng cử chỉ cho Android, thì đã đến lúc hãng này đi tìm một hướng đi mới cho nút Back. Nếu không, chúng ta sẽ mãi mãi thấy một Android với giao diện "nửa mùa" như tình cảnh của P hiện nay. Dù sao, đây mới chỉ là bản beta thứ 2 và sẽ còn có rất nhiều thay đổi khác chờ đợi chúng ta vào mùa thu này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ