Vì sao Mỹ từng dẫn đầu thế giới về công nghệ viễn thông mà nay lại không có công ty nào làm được 5G tầm cỡ Huawei?

    Nguyễn Hải,  

    Trong hơn một thế kỷ, nước Mỹ luôn đi đầu trong các công nghệ viễn thông hiện đại, nhưng đến nay, khi kỷ nguyên mạng 5G đang đến gần, nước Mỹ đã không còn công ty nào có thể đối đầu với Huawei và các đối thủ khác về hạ tầng mạng.

    Trong hơn một thế kỷ nay, nước Mỹ được xem như một siêu cường về công nghệ viễn thông – họ là người đầu tiên phát minh ra điện báo một dây, và sau đó là phát minh của Alexander Graham Bell vào những năm 1800 cho điện thoại ngày nay. Ngài Bell sau đó thành lập nên hãng American Telephone and Telegraph Company (chính là hãng AT&T ngày nay) – một trong những hãng viễn thông lớn nhất thế giới.

    Nhưng khi năm 2020 đang đến gần và thế giới đang trong bước ngoặt của việc chuyển sang mạng thế hệ mới 5G, nước Mỹ mới nhận ra bản thân mình chẳng còn nhà sản xuất thiết bị viễn thông nào xứng tầm thế giới, để có thể cạnh tranh với những người khổng lồ trong cuộc đua 5G như Huawei Technologies của Trung Quốc, Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển.

    Vì sao Mỹ từng dẫn đầu thế giới về công nghệ viễn thông mà nay lại không có công ty nào làm được 5G tầm cỡ Huawei? - Ảnh 1.

    Trong khi đó, nước Mỹ lại mải mê theo đuổi cuộc chiến thương mại và công nghệ với Trung Quốc, cũng như vận động các quốc gia khác không sử dụng thiết bị 5G của Huawei trong hệ thống mạng của mình. Ông Guo Ping, chủ tịch luân phiên của Huawei, gần đây đã chế nhạo nước Mỹ là "kẻ thất bại đau đớn" và nỗ lực kiềm chế Huawei của họ chỉ như "đứa trẻ đang giận dỗi"

    Nhưng ngay cả khi tiếp tục cuộc chiến với Huawei và Trung Quốc, nước Mỹ thực ra cũng đang lo lắng tìm cách tận dụng các tiến bộ công nghệ. Khi trong nước không có công ty nào sản xuất thiết bị viễn thông 5G, các nhà mạng của Mỹ, bao gồm AT&T, Verizon và Sprint, đã thông báo về các thỏa thuận hợp tác với Nokia, Ericsson và Samsung để cung cấp hạ tầng 5G cho mình.

    Các mạng không dây 5G dự kiến sẽ tạo nên một cuộc cách mạng cho mọi thứ, từ Internet of Things, cho đến xe tự lái cũng như thực tế ảo, có thể mang lại các lợi ích kinh tế trị giá hàng tỷ USD cho các quốc gia bắt kịp công nghệ này. Rõ ràng nước Mỹ không muốn bỏ qua một mối lợi như vậy.

    Vì sao Mỹ từng dẫn đầu thế giới về công nghệ viễn thông mà nay lại không có công ty nào làm được 5G tầm cỡ Huawei? - Ảnh 2.

    Vậy làm thế nào chỉ trong vòng vài thập kỷ, từ vị thế dẫn đầu thế giới về modem điện thoại, nước Mỹ lại thành kẻ trắng tay như ngày nay và cho phép một công ty Trung Quốc trở thành người dẫn đầu về 5G như hiện tại?

    Miền Tây hoang dã của ngành viễn thông Mỹ

    Các chuyên gia và các cựu nhân viên của nhiều nhà mạng tại Mỹ đã chỉ ra sự cộng hưởng từ hàng loạt yếu tố và cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của ngành công nghiệp này tại nước Mỹ, bao gồm cả việc bãi bỏ quy định quản lý năm 1996 và thiếu các chuẩn di động trên toàn quốc.

    Năm 1987, châu Âu đã thống nhất sử dụng chuẩn mạng di động GSM chung cho khu vực của mình. Trong khi đó, nước Mỹ cho phép các nhà mạng đi theo bất kỳ chuẩn mạng di động nào họ muốn.

    Vì sao Mỹ từng dẫn đầu thế giới về công nghệ viễn thông mà nay lại không có công ty nào làm được 5G tầm cỡ Huawei? - Ảnh 3.

    Vì vậy, trong khi các nhà mạng như Verizon và Sprint chọn cung cấp dịch vụ thông qua chuẩn di động CDMA, do công ty Mỹ Qualcomm phát triển. Còn các nhà mạng AT&T và T-Mobile lại chọn chuẩn di động GSM, với tần số khác hẳn. Điều này cũng có nghĩa tại Mỹ, khi người dùng đang là thuê bao của Verizon, muốn chuyển sang nhà mạng khác sẽ phải đổi sang máy khác, do máy cũ sẽ không thể chạy trên mạng hỗ trợ GSM.

    Thomas J. Lauria, cựu nhân viên AT&T cho biết: "Ở nước Mỹ, có những mạng không dây như TDMA, CDMA và GSM, và bất kỳ nhà mạng nào cũng có thể chọn bất kỳ tần số nào họ nghĩ nó sẽ tốt nhất cho kế hoạch tăng trưởng của mình … Nước Mỹ lúc đó giống như miền Tây hoang dã vậy."

    Việc tồn tại cùng lúc hàng loạt chuẩn mạng di động trên thị trường lại càng được khuyến khích bằng việc bãi bỏ quy định quản lý năm 1996 theo Đạo luật Viễn thông năm 1996, khi nước Mỹ mở cửa thị trường, loại bỏ sự độc quyền của AT&T trên dịch vụ điện thoại và cho phép các nhà mạng nhỏ có đất phát triển.

    Vì sao Mỹ từng dẫn đầu thế giới về công nghệ viễn thông mà nay lại không có công ty nào làm được 5G tầm cỡ Huawei? - Ảnh 4.

    Ban đầu, việc mở cửa thị trường và chấp nhận các tiêu chuẩn khác nhau được xem sẽ mang lại lợi ích cho người dùng và toàn bộ ngành công nghiệp. Sau đó AT&T lại phân tách bộ phận sản xuất trang thiết bị mạng của mình để thành lập nên Lucent Technologies, hãng từng niêm yết trên sàn NYSE và huy động được 3 tỷ USD khi IPO – lớn nhất trong lịch sử viễn thông nước Mỹ.

    Doanh thu của Lucent tăng nhanh chóng khi là hãng cung cấp thiết bị mạng cho các hãng mới và ban đầu họ đưa ra hàng loạt sản phẩm tương thích với các chuẩn di động khác nhau, bao gồm cả CDMA, TDMA, GSM và AMPS.

    Nhưng nhiều chuẩn khác nhau cũng có nghĩa sẽ khó đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, vì vậy cuối cùng Lucent đặt cửa vào chuẩn mạng CDMA và UMTS – các chuẩn không được hỗ trợ ở châu Âu và phần lớn châu Á, làm họ mất đi cơ hội mở rộng trên thị trường quốc tế.

    Bengt Nordstrom, giám đốc điều hành của Northstream, hãng tư vấn tại Stockholm, cho biết: "Các nhà cung cấp tại Mỹ không tin rằng GSM sẽ trở thành một chuẩn toàn cầu. Thay vào đó, họ hỗ trợ mọi chuẩn kỹ thuật ở nước Mỹ cho các khách hàng ở đó. Theo nhiều khía cạnh khác nhau, giai đoạn đầu những năm 1990 cho đến giữa những năm 2000 là những năm mất mát của ngành công nghiệp di động Mỹ."

    Những năm mất mát của ngành công nghiệp viễn thông Mỹ bắt đầu

    Sau sự tăng trưởng bùng nổ ban đầu sau khi bãi bỏ quy định quản lý, ngành công nghiệp viễn thông bắt đầu sụt giảm từ năm 2001 khi tăng trưởng chậm chạp đối với cả các nhà mạng di động lớn nhỏ. Các nhà đầu tư cũng quyết định đặt cược nhiều hơn vào các công ty lâu đời khi thị trường cổ phiếu trở nên không ổn định và một số nhà mạng nhỏ sụp đổ.

    Vì sao Mỹ từng dẫn đầu thế giới về công nghệ viễn thông mà nay lại không có công ty nào làm được 5G tầm cỡ Huawei? - Ảnh 5.

    Những bảng mạch dùng cho mạng viễn thông của Lucent.

    Đối với các nhà cung cấp thiết bị viễn thông như Lucent hay Motorola, vốn thường cung cấp tài chính cho các khách hàng để mua thiết bị của mình – một thông lệ trong ngành công nghiệp – việc tăng trưởng chậm lại trở thành cú đánh giáng mạnh vào họ. Một số nhà mạng không thể thanh toán đúng hạn, kéo theo ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán cân thanh toán của cả hai bên.

    Đã có lúc Lucent phải mất trắng 700 triệu USD do khoản nợ xấu 2 tỷ USD từ WinStar Wireless, khi nhà mạng này phá sản năm 2001.

    Lucent cũng thực hiện hàng loạt thương vụ sáp nhập và thâu tóm kém hiệu quả khi chúng không tích hợp thành công vào hoạt động kinh doanh của họ. Cuối cùng, hãng này phải sáp nhập với hãng Alcatel của Pháp để tạo nên Alcatel-Lucent vào năm 2006. Một thập kỷ sau, Nokia thâu tóm Alcatel-Lucent và sáp nhập họ với bộ phận Nokia Divisions.

    Vì sao Mỹ từng dẫn đầu thế giới về công nghệ viễn thông mà nay lại không có công ty nào làm được 5G tầm cỡ Huawei? - Ảnh 6.

    Motorola, một nhà sản xuất thiết bị mạng khác của Mỹ bên cạnh Lucent, cuối cùng cũng có kết thúc tương tự. Bộ phận hạ tầng mạng không dây của họ trở thành tài sản thuộc về Nokia.

    Sự trỗi dậy của Huawei

    Cùng lúc với sự xuống dốc của các nhà sản xuất Mỹ là lúc Huawei, sau khởi đầu hăng hái từ Thâm Quyến, đã có thể vươn ra toàn cầu, bắt đầu bằng việc cung cấp thiết bị mạng của mình với mức giá rẻ cho khách hàng ở các quốc gia đang phát triển.

    Bằng cách tập trung vào dịch vụ khách hàng và đầu tư mạnh tay cho nghiên cứu phát triển, ngày nay Huawei được xem là một trong những nhà cung cấp thiết bị chính cho mạng 5G trên toàn cầu.

    Trên thực tế, nước Mỹ vẫn còn một nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn khác – hãng Cisco Systems, với doanh thu khoảng 49,3 tỷ USD trong năm 2018 – chưa bằng một nửa của Huawei với hơn 100 tỷ USD doanh thu trong năm 2018 (bao gồm cả doanh thu smartphone).

    Vì sao Mỹ từng dẫn đầu thế giới về công nghệ viễn thông mà nay lại không có công ty nào làm được 5G tầm cỡ Huawei? - Ảnh 7.

    Tuy nhiên, phần lớn doanh số của Cisco đến từ cung cấp các nền tảng hạ tầng mạng cho khách hàng doanh nghiệp, trong khi Huawei, Nokia hay Ericsson cung cấp thiết bị cho các hệ thống mạng viễn thông cốt lõi.

    Lauria, nhà phân tích viễn thông hiện làm cho AT&T, cho biết: "Tôi đau buồn khi nhìn lại cả ngành công nghiệp, chúng ta từng có những nhà sản xuất khổng lồ, tuyệt vời và giờ đây, tôi còn không thể tìm thấy họ trên bản đồ. Là một người Mỹ, điều đó thật đau buồn khi nhìn vào nó và nghĩ lại: "Điều gì đã xảy ra với ngành công nghiệp của chúng ta?""

    "Chúng ta đã tạo ra nó, dựng nên nó, và chúng ta xuất khẩu nó – giờ đây mọi người không thực sự tập trung vào sáng tạo như chúng ta đã làm nữa. Thay vào đó, họ nhớ đến chúng ta vì sự sụp đổ của mình."

    Tham khảo SCMP


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ