Vì sao Nhà Trắng bất ngờ bị 3 ông lớn bán dẫn "gõ cửa", phản đối 1 hành động với Trung Quốc?

    Minh Khôi,  

    Ba trong số những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới đã đến Nhà Trắng để đặt câu hỏi về các hạn chế mới với Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn.

    Vì sao Nhà Trắng bất ngờ bị 3 ông lớn bán dẫn "gõ cửa", phản đối 1 hành động với Trung Quốc? - Ảnh 1.

    Ảnh minh họa: Protocol

    Lực cản bất ngờ

    Một năm sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện bước quan trọng đầu tiên trong việc hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn cho Trung Quốc, Washington đã bắt đầu soạn thảo các giới hạn bổ sung nhằm ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận công nghệ mang tính quan trọng đối với vũ khí hiện đại.

    Nhưng trong những tháng gần đây, tiến độ của quá trình này đã bị chậm lại khi các công ty sản xuất chip của Mỹ đưa ra cảnh báo thẳng thừng: Việc cắt giảm doanh số bán hàng sang Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ và làm hỏng kế hoạch xây dựng các nhà máy bán dẫn mới ở Mỹ.

    Kể từ tháng 7, Nvidia, Intel và Qualcomm, 3 trong số những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã nhấn mạnh rằng việc trừng phạt Trung Quốc sẽ gây ra những hậu quả không lường trước .

    Ba giám đốc điều hành - Patrick Gelsinger của Intel, Jensen Huang của Nvidia và Cristiano Amon của Qualcomm - đã đặt các câu hỏi trong các cuộc gặp với các quan chức như Ngoại trưởng Antony J. Blinken và Bộ trưởng Thương mại Gina M. Raimondo, đồng thời kêu gọi xem xét lại các biện pháp kiểm soát chip bổ sung.

    Các công ty cũng thúc ép tổ chức đại diện của họ, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, đưa ra tuyên bố chỉ trích các hạn chế của chính phủ là “dàn trải, mơ hồ và đôi khi đơn phương”.

    Đồng thời cảnh báo rằng những giới hạn hơn nữa sẽ gây tổn hại cho “khả năng cạnh tranh của ngành”.

    Vì sao Nhà Trắng bất ngờ bị 3 ông lớn bán dẫn "gõ cửa", phản đối 1 hành động với Trung Quốc? - Ảnh 2.

    Nvidia đã phát triển một phiên bản chip H100 dành cho Trung Quốc. Ảnh: Reuters

    Các công ty cũng mở rộng chiến dịch của mình để nhắm mục tiêu vào các nhà viện nghiên cứu.

    Mùa hè này, ông Huang đã gặp lãnh đạo các tổ chức bao gồm Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Hội đồng Đại Tây Dương.

    Ngoài cuộc gặp với Nhà Trắng, các giám đốc điều hành còn gặp Eric Schmidt, cựu giám đốc điều hành và chủ tịch của Google. Kể từ khi thôi giữ chức chủ tịch điều hành của Google vào năm 2018, ông Schmidt đã nổi lên như một người có tiếng nói ở Washington, phục vụ trong hai ban cố vấn của Bộ Quốc phòng và tài trợ cho tổ chức nghiên cứu của riêng mình, Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt.

    New York Times dẫn các nguồn tin nội bộ cho biết chiến dịch này đã góp phần trì hoãn các hạn chế mới của Washington.

    Nhưng người phát ngôn của Bộ Thương mại và Hội đồng An ninh Quốc gia vẫn tái khẳng định cam kết bảo vệ công nghệ nhạy cảm.

    Khả năng tổn hại đến doanh thu 50 tỷ USD hàng năm

    Những cảnh báo từ các công ty nêu bật một tình thế khó tránh khỏi đối với chính quyền Biden: Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, vốn đã có từ nhiều thập kỷ trước, có nghĩa là bất kỳ hành động nào của Washington nhằm đối đầu với Bắc Kinh sẽ có nguy cơ gây tổn hại trên sân nhà.

    Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 thị trường bán dẫn toàn cầu và mang lại tổng doanh thu hàng năm hơn 50 tỷ USD cho Nvidia, Intel và Qualcomm.

    Các công ty đã cảnh báo rằng việc mất doanh thu đó có thể khiến họ phải cắt giảm đầu tư cho phát triển công nghệ, việc làm và chi tiêu cho các nhà máy bán dẫn ở Arizona, Ohio và New York.

    Năm ngoái, ngay sau khi Tổng thống Biden ký Đạo luật CHIPS, các công ty đã điều chỉnh hoạt động kinh doanh của họ. Nvidia đã phát triển một phiên bản chip trí tuệ nhân tạo đặc trưng của mình, H100, dành cho Trung Quốc bằng cách giảm sức mạnh hiệu suất của nó xuống dưới mức tối đa mà các quy tắc cho phép.

    Bên cạnh đó, các công ty đã cảnh báo rằng các hạn chế mới của Mỹ có thể đẩy nhanh sự phát triển của ngành công nghiệp chip độc lập của Trung Quốc, mở đường cho một thế giới thống trị bởi chip do Trung Quốc tạo ra thay vì chip do Mỹ thiết kế.

    Tim Teter, cố vấn của Nvidia đã tham gia chiến dịch vận động hành lang, cho biết: “Rủi ro ở đây là bạn có thể vô tình thúc đẩy sự phát triển của một hệ sinh thái do các đối thủ cạnh tranh khởi xướng. Và điều đó có thể có tác động rất tiêu cực đến vị trí dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ tiên tiến và AI”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày