Với việc mua lại Whole Foods, Amazon sẽ thay đổi hoàn toàn cách người ta đi chợ và thôn tính thị trường hàng tạp hóa béo bở

    Dink,  

    Những "âm mưu" nào đang được gã khổng lồ này ấp ủ? Ta đã có cái nhìn đầu tiên khi thấy Amazon mua lại chuỗi cửa hàng Whole Foods.

    Amazon đã cố gắng dấn thân vào lĩnh vực giao hàng thực phẩm tới tận tay người tiêu dùng nhiều năm nay rồi. Và mới đây thôi, họ cuối cùng cũng đã tìm ra được một giải pháp tối ưu, đó là mua luôn cả một chuỗi siêu thị.

    Đây là thương vụ lớn nhất mà Amazon từng thực hiện: họ đồng ý móc hầu bao con số khổng lồ, 13,7 tỷ USD để mua lại chuỗi siêu thị Whole Foods. Người ta kì vọng rằng thương vụ khổng lồ này sẽ định hình lại toàn bộ cách mà người tiêu dùng sẽ mua sắm trong tương lai – người ta sẽ mua hàng tạp hóa trực tuyến, chứ chẳng cất công ra siêu thị lựa đồ nữa.

    Việc này khiến nhiều người bất ngờ nhưng khi lục lại quá khứ của vài năm về trước, ta đã thấy Amazon có “âm mưu” bán hàng tạp hóa trực tuyến rồi. Họ đã đưa ra và thử nghiệm ý tưởng kinh doanh này hồi tháng Tám năm 2007 với Amazon Fresh – giao hàng tạp hóa và thực phẩm thông qua những trung tâm mua bán riêng. Sau cả gần cả thập kỷ, họ vẫn cố tìm ra một công thức phù hợp cho kế hoạch thôn tính thị trường bán hàng tạp hóa online, một miền đất mới gần như chưa người khai thác.

    Hóa ra “thực phẩm sạch” và “lợi nhuận tức thì” lại không hợp nhau đến thế: người tiêu dùng nhiều phần e ngại việc mua thực phẩm sạch và tươi mới trên mạng, nơi mà người ta có thể quảng cáo món hàng của mình theo bất kì cách nào mà người mua chẳng biết được thực chất món hàng ra sao. Tuy vậy, thị trường hàng tạp hóa ấy vẫn cực kì linh động, đem lại lợi nhuận cao – quá nhiều điểm lợi khiến cho Amazon không được phép chùn bước.

    Động thái mua lại Whole Foods của Amazon hoàn toàn phù hợp với chiến dịch lớn hơn của công ty này dành cho việc mua bán hàng tạp hóa”, Jason Goldberg, phó chủ tịch tại công ty marketing kỹ thuật số Razorfish cho hay. “Hàng tạp hóa tươi ngon là một khía cạnh hàng bán lẻ chưa bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi yếu tố ‘trực tuyến’”.

    Trong một báo cáo gần đây từ Viện Marketing Thực phẩm, các chuyên gia Mỹ cho rằng lĩnh vực hàng tạp hóa tại Mỹ sẽ tăng trưởng gấp 5 lần hiện tại trong thập kỷ tới, người dân sẽ bỏ ra số tiền lên tới 100 tỷ USD để mua hàng tạp hóa vào năm 2025. Hiện tại, chỉ 1/4 số hộ gia đình tại Mỹ mua sắm hàng tạp hóa trực tuyến – tăng từ 20% lên 25% tính từ thời điểm 3 năm trước – và con số ấy sẽ tăng tới 70% trong vòng 10 năm tới.

    Amazon rào trước tình thế ấy và họ đã đặt ra những kế hoạch phát triển dài hạn rõ ràng, thế nhưng Amazon Fresh vẫn chưa có được một chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng. Khách hàng vẫn thích tự tay mình lựa chọn những món đồ tươi chứ không khoái một bọc khoai, một túi trứng được gửi tới cửa nhà mình. Bên cạnh đó, đồ tạp hóa rất dễ hỏng và cần phải được giao nhận càng nhanh càng tốt – lại càng thêm lý do để người ta không thích một thùng cà chua mềm nhũn được đặt trước cửa nhà mình.

    Và những nhà lên kế hoạch tại Amazon thay đổi cách tiếp cận vấn đề: họ không cố tìm ra một phương cách hiệu quả để giao hàng nữa mà thay vào đó, họ thiết kế lại chính cái cửa hiệu tạp hóa ấy.

    Đó là AmazonFresh Pickup, chương trình nhận đồ tạp hóa được khởi động hồi tháng Ba vừa rồi. Khách hàng sẽ đặt đồ trực tuyến, rồi họ sẽ lái xe tới một cửa hàng tiện lợi của Amazon, tại đó nhân viên sẽ đưa trực tiếp đồ cho bạn. Hai chuỗi siêu thị lớn là Walmart và Kroger cũng có dịch vụ tương tự nhưng thông thường, nhân viên phải mất từ 2 tới 4 tiếng để thực hiện một đơn giao hàng. Amazon làm vậy trong vỏn vẹn có 15 phút.

    Tới tháng Năm vừa rồi, Amazon đã mở được 2 cửa hàng tại Seattle và giờ đây, sau khi mua lại cả chuỗi Whole Foods, họ sẽ có thể mở rộng địa bàn của mình ra 431 cửa hàng trên mọi miền nước Mỹ. Nếu như mọi thứ êm đẹp, thì khi mua đồ tại Whole Foods, người ta sẽ không phải chen chúc trên những gian hàng đông đúc nữa. “Giải pháp kỹ thuật số tối ưu nhất được đưa ra cho việc xử lý hàng tạp hóa tươi sống đó là: đặt hàng trước, và tới cửa hàng nhận đồ”, Goldberg nói. “Thương vụ mà ta thấy hôm nay chính là bước đầu tiên của Amazon trong chiến lược tiếp cận gần hơn với khách hàng của họ”.

    Amazon có một ý tưởng kinh doanh khác nữa, có lẽ còn dài hạn hơn cả việc mua lại chuỗi Whole Foods kia, đó là Amazon Go được khởi động hồi tháng Mười Hai năm ngoái. Amazon Go là một siêu thị không có người thu ngân, khách hàng chỉ đến đó, xách đồi rồi đi về mà thôi. Siêu thị này được gắn thiết bị cảm ứng và những công nghệ hỗ trợ khác nhằm theo dõi những gì khách hàng đã mua. Tính tới nay, thì chỉ nhân viên Amazon mới được mua hàng tại một địa điểm Amazon Go duy nhất được đặt tại trụ sở chính của công ty. Nhiều khó khăn về mặt kĩ thuật đã khiến gã khổng lồ này chưa thể triển khai được Amazon Go ở diện rộng.

    Ở cả hai hình mẫu kinh doanh trên, ta có thể thấy rằng Amazon đang nhắm tới cải thiện trải nghiệm mua sắm của cách hàng – nói một cách to tát hơn thì có lẽ, họ đang nhắm tới một cuộc cách mạng hóa cách người ta đi chợ. Ở cái thế giới mua sắm (mà họ đang toan tính nắm quyền) ấy, người ta chẳng cần phải ra khỏi xe để mua đồ.

    Tuy nhiên, việc mua lại Whole Foods không giúp Amazon với tới được những những vùng ngoại thành, nơi mà chuỗi cửa hàng Walmart thống trị. “Amazon lớn mạnh hơn tại các đô thị lớn, và bản đồ vị trí của các cửa hàng Whole Foods cho thấy rằng chúng nầm gần các thành phố ấy hơn”, Goldberg nói. Nhưng ta thấy được rằng thương vụ này là khởi đầu của một cái gì đó lớn hơn. Nếu như Amazon thành công, họ sẽ chẳng ngại ngần xây thêm nhiều cửa hàng nữa để phủ sóng toàn nước Mỹ.

    Trước khi thế thống trị ấy được khẳng định, thì Amazon phải đảm bảo rằng ý tưởng này của họ phải hoạt động ở mọi quy mô cả lớn và nhỏ. “Câu hỏi đặt ra là, làm sao mà họ tiến triển được kế hoạch này của mình”, chủ tịch của ChannelAdvisor, một nhà phân tích thị trường vẫn theo sát các bước tiến của Amazon, ông Scot Wingo phát biểu.

    Nhìn xa hơn một chút, nhiều hơn là một phương pháp giao hàng hiệu quả, thì Amazon hoàn toàn có thể sử dụng chuỗi cửa hàng Whole Foods để làm địa bàn bán những sản phẩm và đồ điện tử của mình. Hoặc họ có thể sử dụng luôn Amazon Echo và trợ lý ảo Alexa để giúp người tiêu dùng mua sắm.

    Ngày hôm qua, Amazon có lẽ là nằm trong top 50 những công ty dính dáng tới lĩnh vực hàng tạp hóa còn bây giờ, chúng tôi ước đoán rằng có lẽ họ đang nằm trong top 5”, Wingo nói. “Hai thập kỷ vừa rồi đã dạy tôi một bài học, đó là không thể nói rằng Amazon không thể trở thành kẻ đứng đầu trong bất kì lĩnh vực buôn bán hàng hóa nào”.

    Họ sẽ thay đổi cách người ta mua hàng, nhiều người tin chắc là như vậy.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ