Xiaomi đặt mục tiêu mở 2.000 cửa hàng khắp thể giới trong 3 năm, hướng đến việc trở thành công ty toàn cầu

    Billvn,  

    2000 cửa hàng là một phần trong kế hoạch trở thành công ty toàn cầu của Xiaomi.

    Một Giám đốc hiện tại của Xiaomi – đang nằm trong top những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới – cho CNBC biết rằng họ đang có kế hoạch để phủ khắp thế giới với 2.000 cửa hàng trong vòng 3 năm.

    Một nửa trong số này sẽ được mở ở các thị trường nước ngoài với các đối tác và một nửa còn lại sẽ được sở hữu và điều hành bởi Xiaomi tại Trung Quốc. Theo Wang Xiang, Phó chủ tịch của công ty thì đây là một phần trong chiến lược đầy tham vọng của Xiaomi nhằm tiếp tục tăng trưởng tại thị trường nước ngoài. Ông nói: “Trong vài năm tới, chúng tôi chắc chắn sẽ trở thành một doanh nghiệp toàn cầu”.

    Wang dự kiến: “Bạn sẽ thấy chúng tôi ở hầu hết các quốc gia”.

    Xiaomi nổi lên là một trong những nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới trong vài gần đây (tính về doanh số) nhờ cung ứng cho thị trường những chiếc smartphone giá rẻ với cấu hình hấp dẫn. Thậm chí, công ty từng xác lập kỷ lục thế giới về số lượng điện thoại bán ra trong một ngày: 2,12 triệu thiết bị.

    Sau smartphone, công ty liên tục đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình với thiết bị đeo tập thể dục, xe tay ga thông minh, máy lọc không khí thông minh… và phát hành rộng khắp 40 quốc gia cùng lãnh thổ. Xiaomi chủ yếu bán hàng qua kênh trực tuyến hoặc thông qua các đối tác phân phối.

    Xiaomi cũng tham khảo các doanh nghiệp tại thung lũng Silicon để xây dựng văn hóa riêng cho mình. Trên bàn làm việc của nhân viên thường có sẵn chú thỏ Mi Bunny dễ thương như là linh vật biểu tượng của công ty. Các bức tường tại trụ sở chính của Xiaomi được trang trí các tác phẩm mang tính biểu tượng của các nghệ sỹ lừng danh như Vincent van Gogh và Camille Pissarro. Các nhân viên có thể di chuyển tron khuôn viên bằng chiếc xe tay ga thông minh của công ty, họ có thể làm việc, trò chuyện tại các căn tin hay tham gia vào các câu lạc bộ thể thao như bóng đá.

    Một kế hoạch mở rộng khổng lồ

    Năm nay, Xiaomi đã mở rộng sang các thị trường như Nga, United Arab Emirates, Ai Cập hay Ấn Độ và Indonesia (với các thiết bị được sản xuất tại địa phương. Ấn Độ và Indonesia đòi hỏi các thiết bị bán tại quốc gia của họ phải có tỷ lệ nội địa hóa nhất định). Năm tới, công ty dự định sẽ tập trung nhiều hơn cho các thị trường Đông Nam Á như chẳng hạn như Philippines và Đông Âu.

    Những sản phẩm như chiếc điện thoại RedMi 4A với giá 88 USD (tại Trung Quốc) có lẽ còn có ý nghĩa nhiều hơn tại các thị trường đang phát triển.

    Wang cho biết, bên cạnh việc xây dựng nhận thức thương hiệu ở nước ngoài, Xiaomi có chiến dịch để người tiêu dùng chấp nhận giá bán sản phẩm của mình: “Nếu bạn mua một sản phẩm từ bất kỳ cửa hàng với một mức giá thấp, thông thường bạn sẽ nghĩ chất lượng của nó sẽ không được tốt. Nhưng chúng tôi muốn chứng minh bạn không phải chi tiêu rất nhiều để mua một sản phẩm chất lượng cao. Tôi nhận thấy đây là thách thức lớn nhất của mình”.

    Theo Wang, đây là lí do Xiaomi lên kế hoạch mở nhiều cửa hàng bán sản phẩm tại các thị trường mà họ nhắm đến. Bên cạnh chiến lược thương mại điện tử khá thành công, Xiaomi cũng hiểu rằng với các thị trường mới, người dùng thường có tâm lý “thấy mới tin”. Do đó: “Bạn phải để cho mọi người trải nghiệm sản phẩm đầu tiên”.

    Internet of things (IoT)

    Xiaomi cũng đầu tư vào các sản phẩm phổ biến đối với người dùng nước ngoài với hi vọng chiếm giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực Internet of things (IoT), liên kết điện thoại thông minh với các thiết bị như TV và máy pha cà phê. Đó là những chiếc đèn ngủ biết tự tắt khi bạn ngủ sâu hay nồi cơm điện tự bật khi bạn chuẩn bị về nhà. Xiaomi luôn tự hào họ là người tiên phong với 60 triệu thiết bị kết nối với hệ sinh thái trực tuyến của công ty.

    Để chuẩn bị cho điều này, tuần trước Xiaomi đã ký thỏa thuận cấp phép chéo với Nokia để hỗ trợ phát triển các sản phẩm của cả 2 công ty. Thỏa thuận này sẽ giúp Xiaomi truy cập vào cái gọi là các bằng sáng chế thiết yếu hay còn gọi là các tiêu chuẩn chính của ngành công nghiệp mà các nhà sản xuất phải tuân theo. Năm ngoái, Xiaomi cũng thỏa thuận với Microsoft để mua lại 1500 bằng sáng chế từ gã khổng lồ phần mềm.

    Thỏa thuận với Nokia là một biện pháp giúp Xiaomi tự bảo vệ mình khỏi các vụ kiện tụng vi phạm bản quyền khi xâm nhập các thị trường trên thế giới. Theo Wang, bằng sáng chế là “chìa khóa” giúp các kỹ sư của hãng thiết kế nhiều sản phẩm hiệu quả hơn.

    Dù có chiến lược mở rộng lớn ra thị trường quốc tế nhưng Xiaomi đã không công bố doanh thu toàn cầu trong báo cáo tài chính của mình mà gộp chung vào tổng doanh thu của công ty. Wang cũng từ chối bình luận về kế hoạch IPO. Nhưng công ty này bước đầu đã thành công tại thị trường Ấn Độ với doanh thu bán hàng đạt 1 tỷ USD hồi năm ngoái.

    Đoạn đường gập ghềnh phía trước

    Việc tăng trưởng theo cấp số nhân của Xiaomi cũng bắt đầu cho thấy những trục trặc trên con đường phía trước. Ban đầu, vấn đề từ chuỗi cung ứng đã cản trở Xiaomi sản xuất đủ số lượng để cung ứng cho nhu cầu của khách hàng.

    Thêm vào đó, Hugo Barra, giám đốc điều hành của công ty – người đã bị lôi kéo từ thung lũng Silicon – cũng thông báo rời công ty và quay về Mỹ hồi đầu năm nay.

    Tuy nhiên, mọi thứ dường như đang xoay chuyển theo hướng tốt đẹp hơn cho Xiaomi. Mới đây, Xiaomi tiết lộ họ đã bán được con số kỷ lục 23 triệu smartphone trong Quý 2 năm nay.

    Trong một bức thư gửi nhân viên, nhà sáng lập Xiaomi Lei Jun nói rằng công ty đã phục hồi sau một năm thụt lùi và cũng là giai đoạn khó khăn nhất với họ. Sau tất cả, Xiaomi đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 100 tỷ Nhân dân tệ trong năm nay với 100 triệu smarpthone được bán ra thị trường vào năm tới.

    Tham khảo: CNBC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày